Mới đây, công cụ điều tra nguồn bụi khoáng bề mặt Trái Đất của NASA (gọi tắt là EMIT) vừa phát hiện hơn 50 vùng siêu phát thải metan ở khoảng cách 400 km từ bề mặt.
Công cụ này được lắp đặt bên ngoài Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) vào tháng 7, với chức năng chính là giúp các nhà nghiên cứu đánh giá được mức độ ảnh hưởng của ô nhiễm bụi trong không khí đối với khí hậu.
Ngay từ khi đi vào hoạt động, công cụ này đã lập tức xác định được những vùng siêu phát thải metan, hiểu nôm na là những chùm khí metan giữ nhiệt khổng lồ trên khắp thế giới.
"EMIT đang chứng tỏ rằng nó là một công cụ quan trọng của chúng tôi để đo lượng khí nhà kính cực mạnh này (metan), cũng và ngăn chặn nó ngay tại nguồn", nhà khoa học Robert Green tại Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực của NASA (JPL) cho biết.
Theo ông, đây là loại khí gây hiệu ứng nhà kính mạnh gấp 80 lần so với carbon dioxide. Do đó, việc sớm phát hiện ra chúng đóng một vai trò hết sức quan trọng trong hành trình đối phó với biến đổi khí hậu, cũng như bảo vệ môi trường sống trên Trái Đất.
Green và các thành viên khác của nhóm phát triển EMIT đã đưa ra một số ví dụ về độ nhạy của thiết bị. Theo họ, công cụ này có thể phát hiện sớm một chùm khí metan kéo dài 4,8 km trên bầu trời phía trên một bãi rác ở Iran.
Họ thậm chí phân tích được rằng vùng phát thải này đang "bơm" khoảng 8.500 kg khí metan vào không khí mỗi giờ.
Ngay khi phát hiện thấy nguồn phát thải này, NASA đã liên hệ với nhà chức trách của địa phương để tìm ra phương án xử lý. Rốt cuộc, nguồn phát thải đã được dập tắt trong ít giờ đồng hồ.
Andrew Thorpe, một nhà công nghệ nghiên cứu tại JPL đánh giá cao về thành tựu mà NASA đạt được cùng EMIT. Ông khẳng định EMIT và nhiều công nghệ khác trong tương lai của NASA sẽ tập trung vào việc giảm phát thải từ hoạt động của con người bằng cách xác định chính xác các nguồn phát từ ngoài không gian.
Theo
www.space.com