Vẻ đẹp tự nhiên huyền bí
Cực quang được hình thành do sự bức xạ từ, qua đó tạo thành những vệt sáng rực rỡ, đầy màu sắc trên bầu trời, thường thấy rõ nhất vào ban đêm.
Về mặt khoa học, các dải sáng được tạo thành do hiện tượng tương tác giữa các hạt mang điện tích từ gió mặt trời và tầng khí quyển bên trên của Trái Đất.
Cách đây không lâu, phi hành gia Bob Hines trên Trạm Vũ trụ Quốc tế ISS, cách chúng ta khoảng chừng 408 km, đã đăng tải bức hình cực quang tuyệt đẹp, trông tựa như một màn trình diễn ánh sáng ngoạn mục khi nhìn từ không gian.
Trong bức hình, bề mặt Trái Đất như được phủ một dải ánh sáng xanh lục "kỳ quái", trải rộng khắp Bắc bán cầu. Hiện tượng trên chỉ kéo dài trong vài giờ, trước khi bị che mờ bởi ánh sáng Mặt Trời.
Bỏ qua vẻ đẹp rực rỡ của bầu trời cực quang, dưới một góc độ khác, hiện tượng này gây ra một tác động tiêu cực, đó là khi tầng ozon bị ăn mòn.
Tác động đáng lo ngại
Mặc dù con người là nguyên nhân gây ra phần lớn sự suy giảm của tầng ozon, song các nhà quan sát cho rằng một loại cực quang được gọi là "cực quang proton cô lập" cũng góp phần không nhỏ trong quá trình này.
Trước đây, những ảnh hưởng của loại cực quang này tới tầng ozon chỉ được biết đến một cách mơ hồ, và thiếu chi tiết.
Tuy nhiên, một nhóm nghiên cứu quốc tế đã phát hiện ra rằng tác động của các cực quang proton cô lập tạo ra một lỗ hổng rộng gần 400 km vuông trên tầng ozon, khiến hầu hết ozon biến mất trong khoảng 2 giờ đồng hồ.
Họ cho rằng cực quang proton cô lập đi kèm với sự tấn công dữ dội của tia plasma (do Mặt Trời phóng ra) mang theo các ion điện từ có năng lượng cao, hướng về Trái Đất.
Các hạt này bị kẹt trong vành đai bức xạ Van Allen, khiến chúng không trực tiếp "bắn phá" hành tinh của chúng ta và biến nó thành một vùng đất hoang như Sao Hỏa.
Tuy nhiên, vẫn có một số hạt điện từ lọt qua vành đai bức xạ, và gây xáo trộn cho bầu khí quyển của Trái Đất. Hệ quả của hoạt động này, là các oxit nitơ và hydro được giải phóng do tương tác của các hạt với bầu khí quyển gây suy giảm tầng ozon.
Theo cảnh báo của các nhà khoa học, cực quang xảy ra có thể gây trục trặc một số vệ tinh đang hoạt động và cơ sở hạ tầng điện dưới mặt đất. Các hạt mang tích điện cũng là mối nguy hiểm đối với các phi hành gia đang làm nhiệm vụ ngoài không gian.