Tình huống bảo vệ con của hà mã mẹ được Lindi Taljaard, một hướng dẫn viên du lịch tại khu bảo tồn thiên nhiên Kapama (Nam Phi) ghi lại, cho thấy khoảnh khắc con hà mã cái đang đứng cạnh đứa con 6 tháng tuổi của mình trên bờ sông, thì bất ngờ một con hà mã đực hung hăng lao lên từ dưới nước, mở rộng miệng để đe dọa 2 mẹ con hà mã.
Bất chấp việc kích thước và sức mạnh thua kém hoàn toàn con đực, hà mã mẹ vẫn không hề nao núng, nhanh chóng dùng cơ thể che chắn cho con của mình, sau đó mở rộng miệng để đáp trả, đẩy lùi con đực quay trở lại sông.
"Tôi đã làm hướng dẫn viên du lịch khu bảo tồn thiên nhiên này trong 5 năm, nhưng đây là lần đầu tiên tôi chứng kiến một cuộc chạm trán như vậy", Lindi Taljaard - 26 tuổi, cho biết. "Con hà mã đực bất ngờ lao lên chỗ 2 mẹ con hà mã đang đứng trên bờ một cách đầy hung hăng. Nếu không có sự chống trả quyết liệt của hà mã mẹ, rất có thể con non đã bị giết chết".
Hà mã đực thường có thói quen cắn chết những con hà mã non không phải là con của chúng hoặc những con non trong đàn khác. Ngoài ra, hà mã đực cũng thường cắn chết con non để buộc hà mã mẹ phải tiếp tục giao phối với chúng. Sau khi con non chết, hà mã mẹ không cần phải cho con bú nữa và có thể tiếp tục giao phối.
Thậm chí, đôi khi hà mã đực cắn chết những con non để thể hiện quyền lực đối với những cá thể khác trong đàn.
Hà mã là một trong những loài động vật có vú sống trên cạn lớn nhất thế giới. Những cá thể hà mã trưởng thành có thể nặng từ 1,5 đến 3 tấn, cơ thể dài từ 3,5 đến 4m và cao từ 1,5 đến 1,7m. Hà mã cái trưởng thành thường nhẹ hơn con đực từ 200 đến 300kg.
Dù ăn thực vật, hà mã vẫn là một loài động vật rất hung hăng và nguy hiểm cho con người, nhất là với những ai vô tình đi nhầm vào lãnh thổ của chúng. Dù có thân hình nặng nề, hà mã vẫn có thể chạy được với tốc độ 30km/h, đủ sức để đuổi kịp những ai xâm phạm vào lãnh thổ của chúng.
Trung bình mỗi năm hà mã gây ra cái chết cho khoảng 500 người ở châu Phi, là loài động vật gây ra cái chết cho con người nhiều nhất thế giới.
Để giữ cho nhiệt độ cơ thể xuống thấp, hà mã dành phần lớn thời gian trong ngày để ngâm mình dưới nước. Do vậy, cuộc chiến để tranh giành những vũng nước thường xuyên xảy ra giữa hà mã và những loài động vật khác. Thậm chí, những con hà mã cũng thường xuyên xảy ra các cuộc đụng độ để tranh giành vũng nước. Những con thua trận sẽ phải chấp nhận rời bỏ để đi tìm những vũng nước mới cho riêng mình và những con non của chúng sẽ bị con đực giành chiến thắng giết chết.
Hiện hà mã đang nằm trong danh sách những loài động vật sắp nguy cấp cần được bảo tồn. Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế ước tính hiện còn khoảng 115 ngàn đến 130 ngàn cá thể hà mã ngoài tự nhiên.
Theo VPress/ITN