|
Nhiều người dùng tỏ ra bất mãn trước các chính sách của Facebook. Ảnh: DEF. |
Chưa quá lâu cách đây khoảng một năm (từ giữa năm 2015), khi vừa vượt ngưỡng 1,1 tỷ người dùng, Facebook đã tung ngay chiêu ép người dùng phải chuyển sang sử dụng nhắn tin Messenger trên smartphone chứ không cho dùng tính năng chat tích hợp trong ứng dụng Facebook trên điện thoại.
Còn bây giờ, mạng xã hội lớn nhất hành tinh này lại ép các Facebooker sử dụng ứng dụng ảnh Moments chứ không cho tiếp tục đồng bộ ảnh chụp bằng điện thoại trên Facebook.
Ép Facebooker, ra người dùng ứng dụng…
Vào tháng 8/2015, lượng người dùng Facebook Messenger được cho rằng hơn 300 triệu trong khi WhatsApp có hơn 500 triệu người dùng. Sau khi ép người dùng Facebook trên điện thoại di động phải chuyển sang nhắn tin, gọi điện bằng ứng dụng Messenger, lượng người dùng ứng dụng OTT này của Facebook đã tăng lên vùn vụt và bây giờ có lẽ đã vượt qua các đối thủ như LINE, KakaoTalk, WeChat…
Nước cờ của các “đại gia” Internet luôn có chung một mẫu số: Tung ra ứng dụng câu người dùng miễn phí và thúc đẩy tiếp thị, quảng bá để mở rộng cộng đồng. Khi cộng đồng đã lớn mạnh, người dùng đã “nghiện” (như trường hợp Facebook chẳng hạn) không dứt ra được thì bắt đầu giở bài ép buộc. Lớn ép theo kiểu lớn và nhỏ ép theo kiểu nhỏ…
|
Trước đây, việc Facebook ép người dùng sử dụng Messenger riêng đã bị chỉ trích rất nhiều. Ảnh: ThePixel. |
Người dùng Facebook khi bị ép sử dụng ứng dụng Messenger riêng, có hơi bất tiện hơn một chút so với dùng tính năng chat tích hợp trong ứng dụng Facebook trên điện thoại, nhưng cũng đành phải cam chịu vì dẫu sao danh sách bạn bè của Facebook có thể đồng bộ sang Messenger một cách thuận tiện vì thế không bị rơi rớt, mất mát các mối liên hệ.
Còn hơn là nếu không chấp nhận mà chuyển sang các ứng dụng OTT khác, người dùng lại phải xác lập lại danh sách bạn bè (friendlists) từ đầu, hoặc đã có sẵn rồi thì cũng không thể phong phú bằng danh sách bạn bè từ Facebook. Đây chính là lợi thế hàng đầu để Facebook có thể tự tin ép người dùng bằng bất cứ giá nào.
Đó cũng là lợi thế lớn nhất để Facebook mỗi lần tung chiêu dám tự tin tung toàn đòn hiểm. Moments cũng có “thân phận” gần như Messenger, nghe đâu ra đời từ năm 2012 nhưng ít người sử dụng. Nhưng với thông báo được gửi đi từ Facebook, từ nay đến đầu tháng 7/2016 nếu Facebooker nào không chịu tải ứng dụng ảnh Moments về smartphone nhằm tự động đồng bộ ảnh từ Facebook sang (chỉ đối với ảnh chưa hoặc không post lên Facebook) thì sẽ bị tự động xóa sau thời điểm trên. Nhận được tin này Facebooker nào chả lo, thôi đành ngoan ngoãn vâng lời anh Mark (Zuckerberg) mà tải Moments xuống sử dụng vậy.
Ép dùng ứng dụng, ra tiền…
Hiện nay, ứng dụng di động đang rơi vào thời kì bão hòa. Màn hình smartphone đã dần trở nên quá chật chội với không biết bao nhiêu ứng dụng được mời gọi cài đặt và sử dụng mỗi ngày. Chính vì thế theo đó, chi phí marketing để lấy người dùng cũng ngày càng cao nhưng hiệu quả lại không còn được như trước đây.
Giả thiết rằng, mức chi phí để có được 1 người dùng là 1 USD, thì tương ứng muốn có được 500 triệu người dùng nhà vận hành ứng dụng sẽ phải tốn một khoản tiền lên đến 500 triệu USD. Trên thực tế, mức 1 USD/người dùng đang được xem là mức chi phí đấy chứ ở các quốc gia có nền kinh tế phát triển, chi phí để lấy được 1 người dùng cao gấp 5-10 lần mức 1 USD, như vậy tổng số tiền phải bỏ ra để có được 500 triệu người dùng sẽ lên đến hàng tỷ USD.
Mới thấy rằng, vì sao các “ông lớn” nắm trong tay nhiều lợi thế lớn như Facebook phải ép người dùng cho bằng được.
Đơn cử năm 2015-2016, mạng xã hội này ép người dùng sử dụng ứng dụng chat Messenger trên điện thoại mà dường như chẳng phải tốn chi phí gì mấy, song lượng người dùng vẫn tăng lên nhanh chóng, Facebook nhờ đó cũng đã tiết kiệm được núi tiền. Bên cạnh đó, Facebook còn có được một cộng đồng lớn sử dụng Messenger tạo ra nguồn thu hứa hẹn trong tương lai.
|
Facebook áp dụng mô hình trước đây của Messenger cho Moments. Ảnh: OpenDesigns. |
Cũng theo cách này, người dùng Moments có thể nhanh chóng tăng lên mà Facebook cũng chẳng phải tốn kém gì để “mua”, lại tiết kiệm được núi tiền. Nhưng đâu đã hết. Đó mới chỉ là núi tiền tiết kiệm được chứ một khi cộng đồng người dùng Moments với con số hàng trăm triệu hoặc cả tỷ users trong tương lai tương tự như trường hợp Messenger, thì việc khai thác nguồn thu từ trên môi trường ứng dụng này sẽ mang đến núi tiền.
Như một định nghĩa trong xã hội thời nay đúng ở tất cả các lĩnh vực: "Thế" sinh ra "quyền", "quyền" mang tới "tiền".
Nhớ lại nhiều năm trước, Yahoo!Blog 360 mới chỉ rộ mạnh lên ở Việt Nam mà đã vội vàng ra chiêu ép uổng người dùng chuyển đổi nền tảng sang Yahoo!360 Plus khiến không ít người chẳng còn cảm tình, thậm chí uất ức. Tiếp sau đó là một cuộc “đại di dời” của hàng triệu cư dân mạng từ mạng xã hội Yahoo!360 sang các mạng xã hội khác khiến cho sản phẩm Yahoo!360 Plus hay bị trục trặc sau đó bị xa lánh và đi đến thất bại thảm hại.
Mark nhìn xa trông rộng hơn nhiều. CEO này chờ cho đến khi cả thế giới “sóng xoài” trong lòng Facebook thì mới tung chiêu, và như đã nói toàn chiêu hiểm, cho nên người dùng có muốn giãy ra cũng chả được. Có như thế mỗi giây trôi qua Mark mới thu vào vài chục nghìn USD trong khi Yahoo! thì đang dần phải tự “chặt tay, chặt chân” để chống lỗ.
Mới luận ra trên thế gian này, không biết ép người dùng chưa hẳn đã là đại gia. Biết ép người dùng thôi chưa đủ, mà phải biết những chiêu ép hiểm mới là đại gia tầm cỡ.
(Theo Zing)