Business Insider cho biết, trong năm 2022, nhiều “gã khổng lồ” công nghệ đã bắt đầu đưa hoạt động mua sắm qua mạng xã hội và livestream tiếp cận khách hàng Mỹ. Điều này được thúc đẩy bởi những thành công đạt được ở thị trường Trung Quốc và Đông Nam Á. Theo eMarketer, năm 2021, chỉ riêng ở Trung Quốc, mua sắm qua mạng xã hội và livestream chiếm 14% thị trường thương mại điện tử trị giá 2,6 nghìn tỷ USD.
Từ TikTok cho đến Youtube, các công ty này đều khuyến khích người dùng mua sắm trên nền tảng của họ thông qua livestream (phát trực tiếp), bài đăng chia sẻ ảnh và video. Tuy nhiên, sau đấy cũng không ít nền tảng đã loại bỏ tính năng này.
Ông Camilo Becdach, đối tác của McKinsey & Company, cho biết: “Mọi người có thể thấy tính năng này trong một khoảng thời gian ngắn và nó sẽ biến mất rất nhanh. Nhiều người cho rằng có thể tính năng đó chưa hoạt động tại Mỹ. Nhưng theo tôi, đây chỉ là một thử nghiệm thôi”.
Ông Becdach hy vọng rằng, mua sắm thông qua mạng xã hội sẽ phát triển nhanh chóng tại Mỹ trong 3 năm tới khi hạ tầng công nghệ hỗ trợ tính năng hoạt động suôn sẻ hơn và người dùng đã quen với việc mua sắm qua mạng xã hội.
Sự cấp bách thâm nhập thị trường thương mại điện tử đã tăng vọt vào năm ngoái sau khi Apple đưa ra các hạn chế mới về quyền riêng tư trên iOS cản trở các ứng dụng như Instagram, Snapchat xác định đối tượng quảng cáo. Ngoài ra, kế hoạch loại bỏ cookie từ bên thứ ba của Google vào năm 2024 cũng là nguyên nhân khiến các nền tảng này cần thương mại điện tử như một nguồn doanh thu mới.
Các nền tảng đang nỗ lực theo nhiều hướng khác nhau nhằm tìm ra con đường đúng. Các vị trí đang tuyển dụng liên quan tới xử lý đơn hàng và logistics tại trụ sở tại Mỹ của TikTok đã thể hiện rõ cách tiếp cận của nền tảng này, dịch chuyển từ việc chỉ gắn link mua sắm sang hậu cần thương mại điện tử.
Ông Jason Goldberg, Giám đốc chiến lược thương mại tại Publicis Groupe, chia sẻ: “Mọi người đều đang cố gắng xây dựng, tăng cường cơ sở hạ tầng cho hoạt động mua sắm thông qua mạng xã hội. Điều quan trọng nhất đối với các nền tảng mạng xã hội bây giờ là phải tìm ra lối đi riêng cho thương mại điện tử của mình”.
Các kế hoạch này khác với các kế hoạch của YouTube và Facebook. 2 nền tảng này chỉ cung cấp các giải pháp thương mại trong ứng dụng và yêu cầu người bán tự xử lý các công việc về kho bãi và vận chuyển.
Sự thay đổi này không chỉ xuất hiện ở các nền tảng mạng xã hội mà các công ty thương mại điện tử như Shopify hay Amazon cũng dần gia nhập đường đua. Amazon đã cho ra mắt nền tảng phát trực tiếp Twitch để thêm các tính năng xã hội vào nền tảng của mình. Gần đây, Walmart cũng cho ra mắt tính năng giúp các influencer có thể kiếm tiền từ các sản phẩm họ quảng cáo.
Business Insider cho biết, với tình hình kinh tế khó khăn và lạm phát càng ngày càng gia tăng, việc người tiêu dùng có sẵn sàng đón nhận hình thức mua sắm này hay không vẫn là một câu hỏi. Theo ông Becdach, các influencer (người ảnh hưởng) sẽ là những người đóng vai trò quan trọng trong việc đưa hình thức mua sắm thông qua mạng xã hội này phổ biến rộng rãi. “Đây là một hành trình mới. Cả các thương hiệu và nền tảng đều phải thích ứng với điều này”, ông cho biết thêm.
Amazon
Amazon bắt đầu đầu tư vào mua sắm trực tiếp từ năm 2019 với tính năng Amazon Live. Nền tảng này sẽ thêm liên kết sản phẩm dưới video để hướng người xem tới trang thông tin sản phẩm. Với mỗi một lượt mua hàng, influencer có thể nhận khoản hoa hồng từ 1 - 10% giá bán sản phẩm.
Nền tảng Amazon Live. Ảnh: TechCrunch
Business Insider cho biết, từ năm 2020, Amazon Live đã tích cực tuyển dụng thêm nhiều influencer. Những influencer có từ 100.000 - 1 triệu người theo dõi sẽ được trả từ 2.000 - 9.000 USD/tháng để đăng các buổi phát trực tiếp trong tối thiểu 2 tháng.
Tuy nhiên, việc này không mang lại hiệu quả cao khi các influencer chia sẻ rằng họ gặp khó khăn trong việc tìm kiếm người xem mặc dù đã quảng cáo trên cả các nền tảng khác như Instagram hay TikTok. Theo một influencer có hơn 400.000 người theo dõi trên Instagram, việc đưa người xem từ Instagram sang Amazon rất khó khăn và nếu không có người xem thì việc phát trực tiếp không có ý nghĩa gì.
Dù vậy, cuối tháng 9/2022, Amazon vẫn thông báo về việc ra mắt Amazon Live tại Ấn Độ và chiêu mộ cả các diễn viên Bollywood để chia sẻ các sản phẩm với người hâm mộ.
Instagram
Một trong những thử nghiệm mua sắm hàng đầu của Instagram đã kết thúc vào tháng 8 khi ứng dụng này đột ngột đóng chương trình affiliate marketing (tiếp thị liên kết).
Chương trình này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy Instagram trở thành trung tâm mua sắm kỹ thuật số. Thông qua các bài đăng, video của các influencer, người dùng có thể lựa chọn mọi loại hàng hóa từ quần áo cho tới mỹ phẩm. Với mỗi giao dịch mua sắm, influencer có thể kiếm được một khoản hoa hồng.
"Thành thật mà nói, tôi rất buồn vì nó đã biến mất", Kristen Bousquet, một influencer chia sẻ.
The Information cho biết Instagram đang mở rộng quy mô mua sắm trên mạng xã hội một cách rộng rãi hơn và bắt đầu chuyển hướng sang doanh thu quảng cáo kỹ thuật số.
TikTok
Từ 1 năm trước, TikTok đã thông báo về việc tiếp cận hoạt động mua sắm thông qua mạng xã hội một cách toàn diện. Bên cạnh đó, TikTok cũng công bố kế hoạch cung cấp giải pháp hậu cần như xử lý đơn hàng hay logistics cho người bán.
ByteDance đã đầu tư 14,6 tỷ USD cho việc nghiên cứu và phát triển hoạt động mua sắm thông qua mạng xã hội trong năm 2021. Ảnh: Financial Times
Theo Financial Times, tuy thương mại điện tử trên nền tảng TikTok Trung Quốc phát triển rất mạnh mẽ, hình thức này của công ty lại thất bị ở thị trường Anh và châu Âu. Mặc dù vậy, nhiều thông tin cho rằng TikTok sẽ tiếp tục cho ra mắt tính năng này ở Mỹ bằng cách sử dụng công nghệ từ TalkShopLive.
Hiện tại, TikTok đang tuyển dụng hàng trăm vị trí liên quan tới thương mại điện tử. Điều này cho thấy, công ty không hề ngần ngại trong việc đi sau vào lĩnh vực này. Theo Wall Street Journal, ByteDance, công ty mẹ của TikTok, đã bỏ ra 14,6 tỷ USD để đầu tư cho việc nghiên cứu và phát triển các hoạt động mua sắm thông qua mạng xã hội trong năm 2021.
Youtube
Theo Business Insider, YouTube đã đưa hoạt động mua sắm trở thành một trong những trọng tâm phát triển của mình từ năm 2021. Đầu năm 2022, chỉ có khoảng 1.000 người sáng tạo và 20 thương hiệu có thể truy cập vào phiên bản dùng thử của YouTube Mua sắm.
Đại diện của Youtube cho biết, nền tảng này đang thử nghiệm việc trả tiền cho người sáng tạo dựa trên số click chuột vào các thẻ sản phẩm. Điều này có thể mở đường cho các chương trình liên kết để các thương hiệu trả tiền hoa hồng cho người sáng tạo trên mỗi giao dịch.
Vị đại diện này cho biết thêm, với những người sáng tạo bán sản phẩm của chính họ, ngoài việc gắn thẻ sản phẩm, họ cũng có thể liên kết trực tiếp Shopify của cửa hàng với nền tảng Youtube.
Tham khảo: Business Insider
Lấy link