Trong thị trường âm thanh, bên cạnh các hãng làm đa dạng các dòng sản phẩm thì có những thương hiệu chỉ chuyên hướng tới sản xuất tai nghe gaming, điển hình trong đó là EPOS. Trước đây thì EPOS là một nhánh của hãng âm thanh nổi tiếng từ Đức Sennheiser, sau này được tách ra để tự xây dựng thương hiệu cho riêng mình.
Hôm nay ta sẽ cùng tìm hiểu một sản phẩm thú vị của họ mang tên EPOS H3 Hybrid - một cặp tai nghe gaming hướng tới việc làm tốt những điều cơ bản và sử dụng được với nhiều thiết bị nhờ kết nối có dây kết hợp không dây.
Hộp của sản phẩm này có tông màu xám khá đơn giản, hơi khác một chút so với những cặp tai nghe của Sennheiser thường có hộp màu đen và xanh dương.
Bộ phụ kiện trong hộp của EPOS H3 Hybrid gồm có dây USB Type-C, dây 3.5mm (với đầu cắm vào tai nghe là 2.5mm), hướng dẫn sử dụng và một nắp che để lắp vào tai nghe khi tháo microphone ra.
Và đây là H3 Hybrid, một cặp tai nghe chụp đầu hướng tới gaming dạng đóng (Closed) với một microphone dạng boom ở bên trái. Như đã nhắc tới ở trên, microphone này gắn với tai nghe bằng nam châm và có thể tháo ra lúc không sử dụng tới.
Cũng ở tai trái là cổng Type-C, cổng cắm dây 3.5mm và nút nguồn của tai nghe.
H3 Hybrid có chữ "Hybrid" trong tên có lẽ là để nói tới khả năng kết nối đa dạng của cặp tai nghe này. Ta có thể sử dụng dây cắm 3.5mm hoặc cả dây USB Type-C để kết nối với máy tính bàn, console hoặc dùng Bluetooth để kết nối với smartphone, máy tính bảng.
Việc có thể kết nối được với nhiều thiết bị là thế mạnh được EPOS nhắc tới nhiều dành cho H3 Hybrid, nếu đã hài lòng với chất lượng âm thanh của nó thì ta chỉ cần sở hữu một cặp tai nghe duy nhất cho nhu cầu nghe nhạc, chơi game, xem phim ở bất cứ thiết bị nào.
Bên phải có một nút bấm "đa chức năng", mặc định dùng để kích hoạt kết nối Bluetooth nhưng có thể được tùy chỉnh để chuyển qua lại giữa các preset âm thanh.
Ở tai phải còn có một vòng xoay để chỉnh âm lượng, có cách đường nhỏ lồi lên để không bị trượt tay.
Giống như các tai nghe hướng tới game, H3 Hybrid trang bị microphone dạng boom, tức là được nối dài để đặt gần miệng người dùng hơn. Điều này giúp tăng chất lượng đàm thoại, giúp đồng đội nghe rõ bạn đang nói gì trong các pha "combat" nảy lửa.
Microphone này có thể gập lên xuống và khi gập lên sẽ có 1 khấc để tự động vô hiệu hóa nó luôn, ta không cần phải nhấn thêm một nút nào trên tai nghe hoặc trên thiết bị kết nối.
Tai nghe có khung được làm bằng kim loại nên cho cảm giác chắc chắn, có thể kéo dài ra để phù hợp với cỡ đầu của từng người.
Phần đệm tai được thiết kế bằng 2 vật liệu là da và nhung, cho cảm giác đeo êm ái. Đệm tai khi đeo vào mùa hè có thể sẽ hơi nóng, nhưng cũng đem lại khả năng chống ồn thụ động khá tốt. Đây là một điều tốt vì H3 Hybrid không được trang bị khả năng chống ồn chủ động ANC, khả năng chặn tạp âm bên ngoài phụ thuộc hoàn toàn vào thiết kế dạng đóng và chất lượng của đệm tai.
Đệm đầu của tai nghe thì được làm bằng vải bện, làm tôi nhớ đến vật liệu được sử dụng trên cặp Apple AirPods Max. Tôi không có phàn nàn gì về thiết kế này cả, nếu đã chỉnh đúng cỡ đầu thì đệm sẽ không ép vào đỉnh đầu. Sự thoải mái trên một cặp tai nghe gaming khá quan trọng vì mọi người thường sẽ sử dụng chúng trong hàng giờ liền và nếu chúng gây cấn, khó chịu thì sẽ không dùng được lâu.
Phần mềm EPOS Gaming Suite
Khi kết nối với máy tính bằng cổng USB Type-C thì ta có thể sử dụng EPOS Gaming Suite để điều khiển các tính năng của tai nghe, bao gồm điều chỉnh nút bấm đa chức năng, chỉnh EQ âm thanh và EQ của microphone và cuối cùng là cập nhật firmware tai nghe cho cần thiết.
Tính năng ảnh hưởng đến âm thanh nhất chắc chắn là EQ, sẽ biến đổi chất âm của cặp tai nghe này tùy thuộc vào mục đích sử dụng. Chế độ Âm nhạc và Xem phim đều tạo ra chất âm dạng "V-Shape" hơn tức là tăng âm trầm và cao để tạo cảm giác sôi động hơn, còn ESport thì sẽ tăng riêng dải cao. Trong bài viết, tôi sẽ đánh giá ở chế độ Mặc định để biết được chất âm cơ bản của cặp tai nghe này như thế nào.
Dù ở chế độ mặc định thì EPOS H3 Hybrid cũng được chỉnh âm gần với chế độ ESport, tức là tăng dải trung cao và cao (high-mid, treble). Có lẽ hãng chỉnh vậy vì trong ESport, những tiếng động gồm súng nổ, bước chân thường nằm ở dải âm phía trên, H3 Hybrid từ đó sẽ khiến chúng trở nên rõ ràng hơn.
Overwatch 2
Điều này thể hiện rõ ở tựa game Overwatch 2, khi ta có thể nghe rõ âm thanh đi lại, súng bắn và giọng nói của nhân vật. Khả năng định vị vị trí của âm thanh phát ra từ đâu dừng lại ở mức khá, rất khó có thể theo kịp được các cặp tai nghe đắt tiền có thiết kế dạng mở (Open) nhưng ngược lại H3 Hybrid cũng đem lại ưu điểm về việc chặn tạp âm bên ngoài để ta tập trung hơn vào âm thanh trong game, một thứ đánh đổi mà người dùng cần cân nhắc.
Liên Quân Mobile
Ngược lại với đó thì H3 Hybrid lại không có nhiều âm trầm, sẽ trở thành yếu điểm nếu bạn chơi nhiều các tựa game MOBA hay dùng tai nghe để nghe nhạc. Game MOBA và nhạc cần có âm trầm để tạo không khí hùng tráng, bên cạnh việc làm rõ tiếng tung chiêu, tiếng nhân vật, tiếng hát. Lúc này ta có thể dùng thêm preset Âm nhạc và Xem phim, hoặc tự tạo một preset khác để bổ sung thêm dải trầm.
Hướng tới sự tiện dụng
Nhìn vào H3 Hybrid, ta cũng có thể thấy được sự tương đồng trong triết lý thiết kế sản phẩm giữa EPOS và Sennheiser. Tai nghe có thiết kế đơn giản nhưng chú trọng vào chất lượng hoàn thiện và độ thoải mái, đem tới sự tiện dụng bằng cách trang bị đủ tính năng nhưng bỏ qua những thứ "extra" như đèn RGB, chống ồn chủ động để hướng tới phần khúc tầm giá trung.
Yếu điểm của H3 Hybrid nằm ở việc trong chất âm mặc định, tai nghe hơi thiếu âm trầm nên sẽ kém sôi động khi nghe nhạc và chơi game MOBA. Độ chi tiết trong âm thanh nhìn chung cũng sẽ không thể theo kịp được các tai nghe nhạc từ các hãng lớn, nhưng có lẽ đây là sự so sánh không công bằng với một tai nghe hướng tới game nhiều hơn là nhạc.
Sản phẩm đánh giá được cung cấp bởi SVHouse
Lấy link