Khi Parag Agrawal trở thành CEO kế nhiệm tại Twitter vào tháng 11 năm ngoái sau quyết định ra đi đầy bất ngờ của người sáng lập Jack Dorsey, hầu như chẳng mấy ai ngoài công ty biết đến vị giám đốc này.
Thế nhưng chỉ 10 tháng sau đó, tên của Agrawal đã lan tràn trên khắp các mặt báo khi Twitter gặp vô số những lùm xùm, bê bối và đặc biệt hơn cả là cuộc chiến pháp lý với tỷ phú Elon Musk. Sau khi đạt thỏa thuận mua lại mạng xã hội này ở mức giá 54,2 USD/cổ phiếu với tổng giá trị 44 tỷ USD, Elon Musk bất ngờ muốn “quay xe” và tạo nên một cuộc chiến pháp lý dai dẳng, trở thành trò cười cho giới truyền thông.
CEO Parag Agrawal
Với Twitter, mạng xã hội này ban đầu không muốn bán cho Elon Musk, vị tỷ phú nổi tiếng với những phát ngôn gây sốc. Thế nhưng mức giá mà nhà sáng lập Tesla đưa ra lại quá tốt và họ đồng ý, để rồi khi Elon Musk lật kèo thì công ty lại cố gắng kiện cáo, níu kéo bản thỏa thuận này.
Cuối cùng, hãng tin CNN cho biết Elon Musk đã chấp nhận quay lại với bản thỏa thuận 44 tỷ USD sau phiên tòa kéo dài 2 tuần.
Đây là một tin vui cho những cổ đông Twitter nhưng lại là một tin khá rắc rối cho CEO Agrawal bởi nếu Twitter đổi chủ, ông sẽ phải làm việc dưới quyền vị tỷ phú mà mình từng dành cả tháng trời để tranh luận và kiện cáo trên tòa. Tồi tệ hơn, thành quả mà Agrawal đạt được khi đem về bản thỏa thuận có lợi cho cổ đông Twitter có thể là một văn bản sa thải.
Số nhọ
Theo CNN, Agrawal có lẽ là một trong những CEO nhọ nhất lịch sử Phố Wall. Vị giám đốc này phải kế nhiệm di sản từ một nhà sáng lập có phong cách bốc đồng, tuyên bố ra đi đầy bất ngờ mà không hề báo trước.
Twitter dưới sự điều hành của Agrawal cũng gặp phải vô số rắc rối, ngoài cuộc chiến pháp lý với Elon Musk, mạng xã hội này cũng gặp nhiều bê bối, trong khi tình hình kinh tế vĩ mô đang khiến mảng quảng cáo, nguồn thu lợi nhuận chính của hãng đi xuống.
Hãng tin CNN cho biết dù đã làm việc lâu năm ở Twitter nhưng Agrawal vốn là giám đốc kỹ thuật trước khi lên làm CEO. Bản thân vị giám đốc này cũng chưa bao giờ điều hành một công ty nào chứ đừng nói đến những thương hiệu có tiếng trên thế giới như Twitter.
“Tôi nghĩ Agrawal được đưa lên làm lãnh đạo bởi họ nghĩ rằng mọi thứ sẽ đi theo đúng kế hoạch”, giáo sư Bill Klepper của trường đại học Columbia Business School nhận định, cho biết thêm rằng trong năm qua chẳng có gì là theo đúng kế hoạch của Twitter cả.
Bất chấp các rắc rối, Agrawal đã thành công phát triển thêm cho Twitter cũng như cho ra đời nhiều ứng dụng mới. Dẫu vậy, hãng tin CNN vẫn nghi ngờ về khả năng trụ thêm tại Twitter trong 1 năm nữa của CEO Agrawal bởi nếu không bị tỷ phú Elon Musk sa thải thì hội đồng cổ đông cũng có thể đuổi việc ông vì không hoàn thành được thỏa thuận 44 tỷ USD.
“Tôi chắc chắn là khi ông ấy về nhà vào buổi tối sẽ vắt tay lên chán nghĩ rằng: ‘Mình đang dính vào cái khỉ gió gì thế này không biết’”, giáo sư Klepper cười nói.
Cãi lộn
Theo CNN, nhiệm vụ của Agrawal vào đầu năm nay đã khá khó khăn. Công ty đặt mục tiêu tăng thêm 100 triệu người dùng chủ động vào năm 2023, cao hơn 45% so với quý IV/2021 và nâng doanh thu lên 7,5 tỷ USD, cao hơn so với 5 tỷ USD năm 2021. Cùng thời gian đó, Twitter cũng triển khai dịch vụ đăng ký trả tiền Twitter Blue và một số dự án khác liên quan đến tiền số.
Khó khăn lớn nhất tại thời điểm đó của Twitter là chưa tận dụng triệt để được tệp khách hàng để tăng doanh thu theo đúng tiềm năng vốn có của mình.
Thế rồi tỷ phú Elon Musk xuất hiện.
Vào tháng 3/2022, nhà sáng lập Tesla tiếp cận Jack Dorsey dù ông đã rời bỏ ghế CEO của Twitter, tiếp đó Elon Musk gặp mặt ban giám đốc cũng như Agrawal để nói chuyện về việc góp vốn. Tại thời điểm này, Twitter đã chấp nhận cho Elon Musk một ghế trong ban điều hành.
Vài ngày sau đó, Elon Musk đăng tải dòng tweet: “Có phải Twitter đang chết dần?”. Ngay lập tức Agrawal đã nhắn tin nói với nhà sáng lập Tesla rằng những dòng bày tỏ này đang khiến vị CEO gặp nhiều khó khăn.
“Ông có thể tự do đăng tải những dòng phàn nàn về Twitter, nhưng tôi có nghĩa vụ phải nói rằng những dòng đăng tải này không giúp tôi khiến Twitter trở nên tốt hơn đâu. Trong lần nói chuyện tới, tôi sẽ cung cấp những vấn đề gây phiền phức trong nội bộ và làm thế nào mà nó ảnh hưởng đến khả năng làm việc của chúng tôi. Tôi rất mong công ty sẽ là môi trường bình lặng, không gây phiền nhiễu cho nhân viên, nhưng tiếc là không phải vậy”, những dòng tin nhắn của CEO Agrawal đã được tiết lộ trong phiên tòa tuần trước giữa Elon Musk với Twitter.
Elon Musk và Jack Dorsey
Đáp trả, nhà sáng lập Tesla nhắn tin đầy gay gắt: “Ông đã làm được gì trong tuần này vậy...Tôi sẽ chẳng tham gia ban điều hành đâu, nó thật là phí thời gian”.
Sau khi từ chối ngồi vào ban điều hành, Elon Musk bất ngờ đề nghị mua lại Twitter với giá 54,2 USD/cổ phiếu, mức giá cao hơn thị trường rất nhiều. Thế rồi 1 tháng sau đó, vị tỷ phú này lại đòi hủy kèo với lý do Twitter thông báo sai về số lượng tài khoản giả mạo đang tồn tại. Đáp lại, mạng xã hội này kiện Elon Musk ra tòa vì vi phạm hợp đồng.
Trong bối cảnh này, CEO Agrawal vừa phải trấn an cổ đông, các nhà quảng cáo và nhân viên về một thương vụ tỷ USD, đồng thời cũng phải tranh cãi với Elon Musk, người có thể trở thành sếp mình sau này, để bảo vệ hình ảnh của Twitter.
Tháng 5/2022, Elon Musks vào Agrawal đã có cuộc tranh cãi nảy lửa trên Twitter. CEO Agrawal đã đăng bài viết giải thích cách tính số lượng tài khoản giả mạo và công ty đã nỗ lực thế nào để thống kê chúng, nhưng Elon Musk chỉ đáp lại bằng một biểu tượng hình đống phân.
Hãng tin CNN nhận định trong bối cảnh như vậy, ngay cả khi Twitter buộc Elon Musk phải tuân thủ hợp đồng 44 tỷ USD thì nhiều khả năng Agrawal cũng khó lòng mà tại vị được vì đã làm phật lòng ông chủ tương lai.
Bất hòa
Vào tháng 4/2022, trong một tin nhắn với nhà sáng lập Jack Dorsey của Twitter, Elon Musk đã bày tỏ quan điểm rằng ông không thể làm việc chung với Agrawal.
“Agrawal quá chậm chạp và chỉ đang cố chiều lòng tất cả mọi người, những đối tượng mà họ sẽ chẳng hài lòng dù cho ông ấy có làm gì đi chăng nữa”, Elon Musk nhắn tin.
Hãng tin CNN cho biết nếu Elon Musk tiếp quản Twitter và Agrawal phải ra đi, vị CEO này sẽ nhận được khoản bồi thường hàng chục triệu USD kèm với những khoản quyền ưu tiên chọn mua cổ phiếu của Twitter khác.
Với trường hợp Elon Musk thỏa thuận được với Twitter để hủy bỏ thương vụ 44 tỷ USD thì câu chuyện cũng chẳng sáng sủa hơn cho Agrawal. Theo giáo sư Klepper, cổ phiếu của Twitter sẽ sụt giá mạnh và cổ đông sẽ cần tài cơ cấu lại công ty.
“Họ sẽ phải làm rất nhiều việc, nhưng thứ đầu tiên họ làm sẽ là tìm một CEO mới có kinh nghiệm hơn”, giáo sư Klepper nhận định.
Lấy link