Không lâu sau khi ra mắt dòng card đồ họa mới RTX 4090, Nvidia đã phải đối mặt với hàng loạt lời chỉ trích vì tăng đáng kể giá bán dòng sản phẩm này. Với mức giá 1.500 USD, RTX 4090 có giá cao hơn khoảng 7% so với khi ra mắt 3090 – dòng sản phẩm mà nó thay thế. Ngay cả RTX 4080, dòng GPU tầm trung với mức giá 899 USD cũng đắt hơn đến 29% so với dòng 3080 khi ra mắt năm 2020.
Đáp trả lại những lời phàn nàn đó, CEO Nvidia, ông Jensen Huang cho rằng, mức giá cao hơn là điều hoàn toàn hợp lý, đặc biệt là khi các GPU mới đều dùng kiến trúc chip Lovelace tiên tiến rất cần thiết để hỗ trợ cho bước tiến của Nvidia vào lĩnh vực metaverse.
Được đặt theo tên nhà toán học nổi tiếng thế kỷ 19 của Anh, kiến trúc chip Ada Lovelace là sự tiếp nối thành công của kiến trúc chip Ampere, vốn được tiết lộ từ tháng 5 năm 2020, giữa lúc nhu cầu bùng nổ về card đồ họa chơi game.
Bên cạnh đó, một lý do khác được ông Huang đề cập đó là cái chết của Định luật Moore: "Một tấm wafer 12 inch ngày nay đắt hơn rất nhiều so với trước đây, nó không phải đắt hơn một chút mà đắt hơn rất rất nhiều."
"Định luật Moore đã chết. Khả năng định luật Moore giúp mang lại hiệu năng gấp đôi với cùng mức chi phí, hoặc giữ nguyên hiệu năng nhưng cắt giảm một nửa chi phí, sau mỗi một năm rưỡi, đã qua rồi. Nó hoàn toàn kết thúc rồi, vì vậy thật không may, ý nghĩ cho rằng chip sẽ rẻ dần theo thời gian chỉ còn là câu chuyện của quá khứ." Ông Huang nhấn mạnh thêm.
Cùng với việc tăng giá mạnh sản phẩm của mình, ông Huang cũng dự báo Nvidia sẽ có "một Quý 4 tuyệt vời dành cho Ada" nhờ doanh số bán hàng tăng vọt. Sự lạc quan này được ông Huang nhắc đến ngay cả khi công ty thừa nhận việc hao hụt 400 triệu USD doanh số do lệnh cấm xuất khẩu các sản phẩm dành cho trung tâm dữ liệu sang Mỹ. Ngoài ra, công ty còn phải tính đến khoản chi phí 1,22 tỷ USD dành cho việc dọn kho các GPU dùng kiến trúc Ampere để dọn đường cho việc ra mắt kiến trúc Lovelace.
Chuyển mình thành công ty phần mềm
"Điện toán không phải là vấn đề của riêng chip, nó là vấn đề kết hợp giữa phần mềm và chip." Ông Huang nói.
Đó là lý do tại sao trong nhiều năm qua, Nvidia đã phát triển một hệ sinh thái phần mềm gắn chặt với các chip đồ họa của mình, khiến nhiều nhà phân tích bắt đầu nhìn nhận công ty như một hãng phần mềm mới nổi.
Đặc biệt trong thời gian gần đây, ông Huang đã thông báo về bước tiến vào nền tảng vũ trụ số metaverse bằng Nvidia Omniverse Cloud, sản phẩm dịch vụ hạ tầng (Infrastructure-as-a-service) và dịch vụ phần mềm (Software-as-a-Service) đầu tiên của công ty nhằm thiết kế, đăng tải và vận hành các ứng dụng trải nghiệm metaverse.
Bên cạnh đó, Nvidia còn cung cấp dịch vụ "gaming-chip-as-a-service" dành cho GPU RTX 3080 với GeForce NOW Priority, với mức phi 99,99 USD trong vòng 6 tháng giúp người dùng có thể tận hưởng hiệu năng của GPU này thông qua đám mây của công ty.
Trong nhiều năm qua, Nvidia đã cho thấy khả năng thích ứng và chuyển mình của công ty trước các biến đổi trên thị trường. Từ vị thế công ty sản xuất card đồ họa gaming, Nvidia đã trở thành nhà sản xuất chip có giá trị vốn hóa lớn nhất nước Mỹ sau khi các nhà thiết kế trung tâm dữ liệu nhận ra các GPU của công ty rất hữu ích trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, thay vì chỉ giới hạn trong lĩnh vực chơi game.
Tham khảo Gizmodo, MarketWatch
Lấy link