Cục Thương mại điện tử và kinh tế số cho biết, năm 2021, Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động thương mại và dịch vụ của Việt Nam nói riêng và toàn cầu nói chung. Tăng trưởng âm của một số ngành dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn đã làm giảm mức tăng chung của khu vực dịch vụ và toàn bộ nền kinh tế. Tổng kết cả năm 2021, tăng trưởng kinh tế Việt Nam chỉ ở mức 2,58%, thấp nhất trong vòng 30 năm qua.
Trong bối cảnh đó, thương mại điện tử Việt Nam vẫn giữ tốc độ tăng trưởng ổn định ở mức 16%, doanh thu bán lẻ đạt 13,7 tỷ USD năm 2021; tỷ trọng doanh thu bán lẻ thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước đạt 7%, tăng 27% so với cùng kỳ năm 2020.
Để có góc nhìn toàn diện về tình hình ứng dụng thương mại điện tử Việt Nam dưới tác động của dịch bệnh trong bức tranh chung thương mại điện tử toàn cầu năm 2022, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương đã công bố Sách trắng Thương mại điện tử Việt Nam năm 2022. Tương tự như những ấn phẩm được xuất bản trước đây, nội dung Sách được xây dựng từ kết quả điều tra gần 5.000 người tiêu dùng và khoảng 10.000 doanh nghiệp, cùng với số liệu tổng hợp từ một số tổ chức có uy tín trên thế giới.
Theo đó, Sách trắng Thương mại điện tử Việt Nam 2022 đã chỉ ra 10 doanh nghiệp dẫn đầu thị trường cung cấp dịch vụ thương mại điện tử. Cụ thể, Shopee là doanh nghiệp đứng đầu trong lĩnh vực TMĐT. Theo sau là các cái tên quen thuộc như Lazada, Grab, Baemin và Tiki, với thứ hạng lần lượt là 2, 3, 4 và 5. Báo cáo cũng cho biết, 10 doanh nghiệp này chiếm đến 95% thị phần doanh thu của website/ứng dụng cung cấp dịch vụ TMĐT.
Về hàng hóa, dịch vụ được mua, sử dụng nhiều nhất trên website, ứng dụng cung cấp dịch vụ TMĐT, báo cáo cho biết, có đến 21,3% doanh nghiệp cung cấp dịch vụ TMĐT cho biết thực phẩm, thực phẩm chức năng, làm đẹp, sức khỏe là những mặt hàng được mua nhiều nhất.
Trong khi đó, 14,5% doanh nghiệp cung cấp dịch vụ TMĐT cho rằng Dịch vụ đào tạo, đào tạo trực tuyến; tư vấn hồ sơ, pháp lý, thuê, tài chính, quản lý,...; môi giới việc làm, tư vấn du học; tư vấn, thiết kê xây dựng, kiến trúc mới là dịch vụ được sử dụng nhiều nhất trên các nền tảng này.
Về nguồn thu chính của website, ứng dụng cung cấp dịch vụ TMĐT, có đến 42,4% đơn vị cung cấp dịch vụ TMĐT cho biết nguồn thu chính của họ đến từ quảng cáo, 36,7% đơn vị trả lời rằng việc thu phí thành viên mới là nguồn thu chính. Trong khi đó, tỷ lệ website/ứng dụng cung cấp dịch vụ TMĐT có nguồn thu chính từ việc bán hàng hóa, dịch vụ chỉ chiếm 24,8%.
Lấy link