Theo Automative News Europe, Giám đốc tài chính David Mansfield của VinFast Global cho biết nhà sản xuất ô tô Việt Nam có kế hoạch bắt đầu giao xe điện cho khách hàng ở châu Âu và Mỹ trước cuối năm nay, nhằm mục đích có lãi trong vòng ba năm tới.
"Do chúng tôi đang ở trong quá trình niêm yết VinFast lên sàn và các quy định mà công ty đang tuân theo nên tôi không thể chia sẻ thêm thông tin chi tiết về những điều này", ông Mansfield cho biết trong một cuộc họp truyền thông vào ngày 21/9.
Vào tháng 4, VinFast cho biết đã nộp hồ sơ để chuẩn bị cho đợt IPO tại Mỹ. Bloomberg News đưa tin, thương vụ có thể thu về khoảng 2 tỷ USD. Đây sẽ là một trong những thương vụ IPO lớn nhất từ trước tới nay của một công ty Việt Nam.
Nhà sản xuất ô tô Việt Nam cho biết đang tìm kiếm một đợt bán cổ phần trong quý IV năm nay. Tuy nhiên, ông Mansfield chia sẻ thời gian biểu đó đã thay đổi do điều kiện thị trường đang có nhiều biến động.
VinFast cũng đã giành được khoản ưu đãi khoảng 1,2 tỷ USD cho nhà máy xe điện của mình ở Bắc Carolina, Mỹ, nơi dự kiến bắt đầu sản xuất vào năm 2024.
Vào tháng 7 vừa qua, công ty cho biết đã ký thỏa thuận với các ngân hàng để huy động ít nhất 4 tỷ USD giúp mở rộng hoạt động tại thị trường Mỹ.
Cột mốc 1 triệu
VinFast đặt mục tiêu sẽ bán được khoảng 1 triệu ô tô điện trên toàn cầu trong vòng 5 đến 6 năm tới. Nói một cách dễ hiểu, VinFast đang muốn làm một điều mà Volvo Cars chưa thể đạt được trong vòng 95 năm qua.
Về công suất dự kiến, VinFast sẽ sản xuất 200 chiếc xe mỗi ngày trong một ca làm việc 8 tiếng tại Việt Nam. Mục tiêu là tăng cường công suất lên hai ca bắt đầu từ tháng tới và cuối cùng là ba ca để đạt được mục tiêu sản xuất 250.000 xe mỗi năm tại nhà máy ở Việt Nam.
Công ty ước tính nhà máy ở Bắc Carolina sẽ có công suất sản xuất 150.000 xe mỗi năm, đồng thời cho biết thêm rằng họ đang tìm kiếm một địa điểm ở châu Âu cho nhà máy thứ ba. Tuy nhiên, công ty từ chối đưa ra công suất dự kiến cho nhà máy này
Phó Giám đốc điều hành của VinFast, Michael Johnson, cũng là người đứng đầu bộ phận sản xuất, đã đưa ra 4 tiêu chí để hãng xe thành lập nhà máy ở châu Âu, bao gồm:
-Nơi đó phải gần với các thị trường mà VinFast sẽ kinh doanh như Đức, Pháp và Hà Lan.
-Có thể cung cấp cơ hội sử dụng các nguồn năng lượng sạch để cung cấp năng lượng cho cơ sở sản xuát.
-Cần phải ở một vị trí giúp cho việc vận chuyển phương tiện đến các thị trường mục tiêu ở châu Âu trở nên dễ dàng về mặt logistics.
-Khu vực có nhiều lao động có bằng cấp và trình độ.
Ông Johnson cũng lạc quan về mục tiêu bán 1 triệu xe điện của công ty. "Nếu ông ấy (tỷ phú Phạm Nhật Vượng) muốn làm điều đó, thì việc đó sẽ hoàn thành", ông trả lời Automotive News Europe khi tham quan nhà máy.
Ông cho rằng kỳ vọng như trên là hoàn toàn có thể xảy ra vì với diện tích 836.000 m2, khu phức hợp sản xuất ở Hải Phòng có quy mô gấp ba lần hầu hết các nhà máy lắp ráp xe hơi ở Mỹ.
Lãnh đạo VinFast nói thêm rằng mặc dù phải mất ít nhất 6 tháng tuyển dụng để có đủ người làm thêm một ca sản xuất kéo dài 8 giờ nữa ở Mỹ và châu Âu, nhưng tại Việt Nam, thời gian đó có thể giảm một nửa, nghĩa là chỉ cần khoảng 3 tháng.
Ngoài ra, với thời gian làm việc trong 1 tuần là 44 tiếng, VinFast hoàn toàn có thể thêm một ca sản xuất vào thứ 7.
VinFast 'vươn ra' Mỹ và châu Âu
VinFast bắt đầu sản xuất xe xăng từ năm 2019, nhưng cho biết sẽ dừng việc này lại để tập trung hoàn toàn vào xe điện từ cuối năm nay. Ông Johnson cho biết mẫu xe chạy xăng cuối cùng của công ty sẽ được hoàn thành vào tháng 10.
Nhà sản xuất ô tô cũng sẽ bắt đầu sản xuất pin và chip của riêng mình tại Việt Nam, một động thái mà CEO VinFast Global, bà Lê Thị Thu Thủy cho biết được thực hiện nhằm phản ứng với việc chuỗi cung ứng bị gián đoạn.
Hãng xe Việt cho biết đã có khoảng 65.000 đơn đặt trước cho các mẫu xe điện của hãng trên toàn cầu. Trong đó, những mẫu xe điện sẽ tới Mỹ và châu Âu trước cuối năm nay là VF 8 và VF 9.
Tại châu Âu, SUV hạng trung VF8 sẽ có giá khởi điểm 46.050 euro và SUV cỡ lớn VF9 là 62.750 euro, chưa bao gồm chi phí thuê pinlà 120 euro một tháng cho VF8 và 150 euro một tháng cho VF9. Chi phí mua VF8 cộng với pin là 62.200 euro, đối với VF9 là 82.950 euro, theo trang web của công ty.
Các mẫu SUV VF8 và VF9 sẽ có giá khởi điểm lần lượt là 42.200 USD và 57.500 USD cho khách hàng Mỹ, chưa bao gồm chi phí thuê pin.
Bên cạnh đó, VinFast đã ký một thỏa thuận với Ngân hàng FCA, một phần của Stellantis, để hỗ trợ các dịch vụ tài chính ở châu Âu. Nhà sản xuất ô tô cũng đã hợp tác với LeasePlan để cung cấp các giải pháp quản lý đội xe, tiếp thị lại và cho thuê trực tuyến tại khu vực châu Âu.
Michael Johnson, người từng có hơn 30 năm kinh nghiệm làm việc tại Ford Motor và làm việc cho nhà sản xuất ô tô ở Đức, Anh, Nam Phi và Bắc Mỹ, cho biết VinFast hướng tới việc cung cấp một chiếc xe cao cấp với "chi phí chấp nhận được".
Ông cho rằng điều này là hoàn toàn khả thi bởi nhà máy VinFast được tích hợp theo chiều dọc để sản xuất mọi thứ, từ khuôn ép nhựa, đến các cụm lắp ráp phụ, đến khung ghế. Đây là điều ấn tượng nhất mà ông từng nhìn thấy trong suốt sự nghiệp của mình.
“Không chỉ các nhà máy ở Ford, tôi cũng chưa bao giờ thấy những điều tương tự tại các nhà máy của Volvo, Jaguar, Land Rover, Daimler và BMW”, ông Johnson nói.
Khi được hỏi VinFast sẽ làm gì để nổi bật so với các đối thủ như Tesla và các nhà sản xuất ô tô lâu đời ở Mỹ và châu Âu, bà Lê Thị Thu Thủy cho biết công ty chủ chương cung cấp sản phẩm có chất lượng tốt, giá cả hợp lý và dịch vụ khách hàng đáng tin cậy.
Lấy link