Những năm gần đây, với sự phát triển của loại hình xe công nghệ , phần lớn mọi người đã quen thuộc với việc sử dụng ứng dụng để đặt xe đi lại hay giao hàng. Tuy nhiên, cùng với tình hình lạm phát ở nhiều nước hiện nay, các lao động chính trong lĩnh vực này - tài xế xe công nghệ cũng đang chịu áp lực lớn để duy trì thu nhập của mình.
Trên một con phố đông đúc tại thủ đô Jakarta, anh Ridwan - một tài xế xe công nghệ - tranh thủ nghỉ ngơi, chờ đợi nhận chuyến xe mới trên ứng dụng. Anh đang phải cố gắng nhận nhiều chuyến nhất có thể, để đảm bảo được thu nhập khi mà giá nhiên liệu đang trở nên đắt đỏ hơn.
"Trừ đi tiền xăng thì hôm nay tôi kiếm được khoảng 50 nghìn Rupiah, chỉ vừa đủ tiền ăn thôi. Thỉnh thoảng tôi còn phải bỏ bữa để đủ tiền đổ xăng", anh Ridwan chia sẻ.
Tình cảnh của anh Ridwan cũng là tình trạng chung của giới tài xế xe công nghệ trên khắp Indonesia - những người sống bằng nghề vận tải và do đó chịu tác động trực tiếp từ cơn sốt giá nhiên liệu trong nước.
Sau khi Chính phủ Indonesia giảm trợ cấp nhiên liệu, giá xăng đã tăng khoảng 30%, tuy nhiên các ứng dụng công nghệ lại không điều chỉnh nhiều về giá cước. Đặt trong bối cảnh lạm phát đang tăng tại Indonesia thì cơn đau đầu với các tài xế lại càng lớn hơn
Anh Iwan Nur Akbar - Tài xế xe công nghệ cho hay: "May mắn là tôi vẫn còn đủ tiền ăn cho cả gia đình. Nhưng không chỉ xăng mà giá thực phẩm cũng đang đắt lên, trong khi thu nhập lại ít đi".
Nhu cầu chở khách và giao nhận hàng tăng cao đã biến tài xế xe công nghệ trở thành một nghề hấp dẫn tại Indonesia những năm gần đây, với hơn 4 triệu tài xế đang làm việc cho các ứng dụng lớn.
Tuy nhiên, họ cũng có ít ràng buộc hơn về hợp đồng lao động và do đó chịu nhiều rủi ro khi gặp các biến động bên ngoài như là giá nhiên liệu. Lúc này, anh Ridwan và các đồng nghiệp chỉ hi vọng, giá xăng sẽ sớm hạ nhiệt, hoặc có thêm hỗ trợ từ Chính phủ để vượt qua cơn bão giá hiện nay.
Lấy link