Mỹ tăng cường kiểm soát rửa tiền
Vừa qua, Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài của Bộ Tài chính Mỹ đã ban hành lệnh trừng phạt đối với một công nghệ có tên Tornado Cash. Lý do là: “nó đã được sử dụng để rửa số tiền ảo trị giá hơn 7 tỷ đô la Mỹ kể từ khi được tạo ra vào năm 2019”.
Vấn đề được nhiều quan tâm là, Tornado Cash là một phần mềm mã nguồn mở, như một công cụ tự động trộn các tài sản kỹ thuật số và phân phối lại chúng để bảo vệ quyền riêng tư. Do đó, một lượng lớn tài sản kỹ thuật số có liên quan đến hoạt động bất hợp pháp đã di chuyển qua giao thức này từ khi nó được khởi chạy. Bất kỳ người Mỹ nào sử dụng dịch vụ này hiện phải đối mặt với án tù 20 năm.
Một số người tin rằng, các biện pháp trừng phạt như vậy là cần thiết để ngăn chặn nạn rửa tiền, trong khi có người lại coi đó là dấu hiệu của sự can thiệp quá mức của chính phủ. Câu hỏi được đặt ra là tại sao lại cần một giao thức như Tornado Cash ngay từ đầu? Phải chăng do hệ thống tài chính đang không cân bằng giữa quyền riêng tư và bảo mật?
Ông Tomicah Tillemann, Giám đốc chính sách quỹ tiền điện tử Haun Ventures cho rằng, hơn một tỷ người trên toàn thế giới, trong đó có hàng triệu người ở Mỹ thiếu khả năng tiếp cận các dịch vụ tài chính cơ bản. Nhiều người không thể thanh toán hóa đơn, gửi tiền cho gia đình vì họ không có tài khoản ngân hàng, hoặc giấy tờ tùy thân và những người khác chỉ đơn giản là không tin tưởng vào các tổ chức tài chính.
Những nghi ngờ này thường là chính đáng. Thực hiện các giao dịch ở bất kỳ quy mô nào đều yêu cầu chia sẻ thông tin nhạy cảm như ngày sinh, địa chỉ, số an sinh xã hội. Bất kể bạn đang thuê một căn hộ hay một chiếc xe hơi, thông tin đó thường xuyên bị lạm dụng và xâm phạm.
“Đến nay, hệ thống thông tin đã hoạt động tốt hơn để ngăn chặn tội phạm. Chúng tôi có thể thiết kế lại cơ sở hạ tầng tài chính của mình, để cung cấp nhiều quyền riêng tư và bảo mật hơn, mà không tạo điều kiện cho những kẻ gian lận, bằng cách khai thác các công nghệ Web3, giúp mở khóa các phương pháp mới nhằm bảo mật và xác minh danh tính. Tornado Cash chỉ là mã máy tính. Cố gắng tắt các giao thức này rất c ó thể sẽ kích hoạt một trò chơi không bao giờ kết thúc. Thay vào đó, chúng ta cần một cách tiếp cận mới để xây dựng cơ sở hạ tầng tài chính kỹ thuật số bảo vệ quyền riêng tư của cá nhân mà không làm suy yếu tính bảo mật”, vị giám đốc cho biết.
Cuộc chiến pháp lý mới
Liên quan đến lệnh trừng phạt của Bộ Tài chính Mỹ với Tornado Cash, Coinbase Global Inc, sàn giao dịch tiền điện tử lớn nhất của Hoa Kỳ đã giúp tổ chức một vụ kiện chống lại các biện pháp trừng phạt này.
Coinbase tin rằng hành động của Bộ Tài chính đe dọa tương lai của tài chính phi tập trung (DeFi) và đặc biệt là Web3. Ảnh: Getty images
Paul Grewal, Giám đốc pháp lý của Coinbase cho biết, động thái của Bộ Tài chính Mỹ là chưa từng có tiền lệ và có thể cản trở ngành công nghiệp tiền điện tử vốn được xây dựng chủ yếu dựa trên các hợp đồng thông minh. Sau khi các lệnh trừng phạt được công bố, Coinbase đã trao đổi với cơ quan này về việc đảo ngược quyết định của mình nhưng không có kết quả. Một số nhân viên của Coinbase đã bị ảnh hưởng bởi lệnh trừng phạt Tornado khi sử dụng công cụ này để gửi một khoản đóng góp đến Ukraine và hiện đã bị khóa một số quỹ trong đó.
Trong các tweet và retweet của mình trước đó, Giám đốc điều hành của Coinbase, Brian Armstrong đã thể hiện sự phản đối của mình đối với các lệnh trừng phạt và ám chỉ hành động pháp lý sẽ xảy ra. Armstrong nói trong một bài đăng trên blog rằng: “Chúng tôi không có vấn đề gì với việc Bộ Tài chính xử phạt những kẻ xấu và chúng tôi có lập trường cứng rắn chống lại hành vi trái pháp luật. Nhưng trong trường hợp này, Bộ Tài chính đã đi xa hơn nhiều và thực hiện bước chưa từng có là xử phạt toàn bộ công nghệ thay vì từng cá nhân cụ thể”.
Ông cho biết thêm, công nghệ này có các ứng dụng hợp pháp, nhiều người dùng vô tội đã bị mắc kẹt tiền của họ và mất quyền truy cập vào một công cụ bảo mật quan trọng. Coinbase tin rằng hành động của Bộ Tài chính đe dọa tương lai của tài chính phi tập trung (DeFi) và đặc biệt là Web3. Trong khi Web3 là một phiên bản của Internet ngày nay được xây dựng chủ yếu dựa trên công nghệ tiền điện tử, trong đó quyền sở hữu và quyền kiểm soát được phân phối rộng rãi hơn.
Giám đốc chính sách quỹ tiền điện tử Haun Ventures cho rằng, hiện nay, các nhà phát triển đang hướng tới một nền tảng trung gian bảo vệ quyền riêng tư và duy trì các nguyên tắc dân chủ cơ bản. Nhưng việc thiết kế các hệ thống này là rất quan trọng, đòi hỏi cả sự can thiệp từ cả Chính phủ và khu vực tư nhân với một số vấn đề chính như:
Thứ nhất, chúng ta cần có mục tiêu rõ ràng. Ở mức tối thiểu, những điều này phải bao gồm việc cho phép mọi người kiểm soát nhiều hơn thông tin của họ, đảm bảo trách nhiệm giải trình cao hơn về cách thông tin đó được sử dụng và mở rộng khả năng tiếp cận các dịch vụ tài chính nói chung.
Thứ hai, cần các tiêu chuẩn kỹ thuật giúp thiết lập và bảo mật danh tính kỹ thuật số dễ dàng và ít tốn kém hơn. Các ngân hàng ở Mỹ hay Canada hiện chi hơn 30 tỷ đô la Mỹ mỗi năm cho việc xác minh danh tính nhưng vẫn thường không ngăn được rửa tiền.
Các công cụ Web3 tương tự cho phép giao dịch an toàn, không tốn kém giữa các ví kỹ thuật số có thể giúp việc chứng minh chúng ta là chính mình và ít tốn kém hơn. Các tiêu chuẩn mở để xác thực ID kỹ thuật số có thể đảm bảo cạnh tranh lành mạnh, giảm chi phí cho người tiêu dùng và khuyến khích cuộc chạy đua về xử lý dữ liệu.
Thứ ba, chúng ta cần các quy định tài chính có thể nhắm mục tiêu vi mô vào các tác nhân xấu trong khi vẫn cho phép chuyển tiền an toàn đến những người bất đồng chính kiến và những người khác trong các xã hội khép kín.
Lấy link