Hãng tin AFP cho biết theo tài liệu đệ trình tại tòa án ở San Francisco vào cuối ngày 26-8 (giờ Mỹ), Meta cho biết đang đưa ra một bản dự thảo "thỏa thuận sơ bộ về nguyên tắc" và yêu cầu ngừng các thủ tục tố tụng trong 60 ngày để hoàn thiện dự thảo.
Meta không công bố các điều khoản cụ thể cũng như số tiền trong thỏa thuận.
Năm 2018, người dùng Facebook đã kiện công ty này sau khi biết mạng xã hội này đã vi phạm các quy định về quyền riêng tư của người dùng khi chia sẻ dữ liệu cá nhân của họ với các bên thứ ba, trong đó có Cambridge Analytica, một công ty có liên hệ với chiến dịch tranh cử tổng thống của ông Donald Trump.
Dữ liệu của 87 triệu người dùng đã bị Facebook thu thập và chia sẻ mà không có sự đồng ý của họ.
Thông tin về thỏa thuận bồi thường của Meta đưa ra trong bối cảnh vào tháng 9 tới, nhà sáng lập Meta - ông Mark Zuckerberg và cựu giám đốc điều hành Sheryl Sandberg sẽ ra làm chứng trước tòa liên quan đến vụ bê bối dữ liệu này.
Công ty Cambridge Analytica (hiện đã đóng cửa) đã thu thập và khai thác dữ liệu cá nhân của 87 triệu người dùng Facebook nhờ được mạng xã hội này cấp quyền truy cập.
Các thông tin này được cho là được sử dụng để phát triển phần mềm theo hướng gây tác động để cử tri Mỹ ủng hộ ông Trump.
Năm 2019, chính quyền liên bang Mỹ đã phạt Facebook 5 tỉ USD vì gây hiểu lầm cho người dùng và buộc phải có giám sát độc lập với việc quản lý dữ liệu cá nhân của công ty.
Từ sau vụ bê bối Cambridge Analytica, Facebook đã xóa quyền tiếp cận dữ liệu của hàng nghìn ứng dụng bị nghi ngờ lạm dụng, hạn chế lượng thông tin có sẵn cho các nhà phát triển ứng dụng và cho phép người dùng dễ dàng chọn các hạn chế về chia sẻ dữ liệu cá nhân.
Lấy link