Nhảy lên "cỗ máy thời gian" của Doraemon để đến với năm 1998, Asus được Liên Bang Xô Viết chọn để cung cấp máy tính cho các phi hành gia của mình. Chiếc Asus P6300 của hãng sau đó được đem lên trạm không gian Mir, thực hiện nhiệm vụ của mình trong 600 ngày liên tiếp mà không gặp bất cứ sự cố gì.
Asus chắc chắn cũng đã rất tự hào về điều này, nên đã ra hẳn một laptop để kỷ niệm sự kiện 25 năm sau đó - chiếc Zenbook 14X OLED Space Edition mà chúng ta sẽ "đập hộp" ngày hôm nay.
Ngay từ vỏ hộp ta đã thấy được hơi hướng thiết kế "mang tầm vũ trụ" của chiếc máy này. Vỏ bên ngoài có tông đen huyền bí, nhưng hộp bên trong được làm đa sắc nhìn rất bắt mắt.
Chiếc hộp nhỏ có thể được gập lại để trở thành chân đế dựng laptop khi sử dụng luôn, một cách tái chế để bảo vệ môi trường khá hay. Chiếc túi đựng laptop thì được làm bằng lớp vải màu bạc giống với những bộ quần áo giữ nhiệt của phi hành gia.
Trên vỏ hộp có in 1998 và 2022, khoảng cách 25 năm từ khi chiếc Asus P6300 được đem lên sử dụng ở trạm vũ trụ Mir và sự ra mắt của Zenbook 14X OLED Space Edition.
Các phụ kiện của tai nghe bao gồm củ sạc Type-C công suất 100W và cổng chuyển Type-A sang RJ45.
Và đây là chiếc laptop của chúng ta ngày hôm nay. Máy được hoàn thiện bằng kim loại với màu xám Zero-G Titanium (Titan không trọng lực), có lẽ đã lấy cảm hứng từ những tàu con thoi và trạm vũ trụ Mir.
Ở thân máy có rất nhiều chi tiết nhỏ phù hợp với chủ đề khám phá vũ trụ. Mặt trên là các mã Morse dịch ra là "1998 Mir P6300", "Cockpit (buồng bay)", "2011 Asus Zenbook" và hình họa của trạm vũ trụ Mir. Touchpad của máy có thể biến thành cụm số Numpad bằng một nút bấm, tính năng rất hay thấy trên các máy Zenbook.
Trên bàn phím, phím cách và nút nguồn được làm màu đỏ để tạo điểm nhấn, với hình một hành tinh với vành đai thiên thạch xung quanh.
Hãng trang bị cho máy một màn hình có thông số khá "khủng". Màn hình sử dụng tấm nền OLED 14 inch cho độ tương phản cao, độ phân giải 2.8K (2880 x 1800), tỷ lệ 16:10 hiện đại cùng với đó là tần số làm tươi 90Hz. Một số thông số về màu sắc bao gồm khả năng phủ màu 100% DCI-P3, cân chỉnh bởi Pantone.
Viền được làm khá mỏng, không gây xao nhãng khỏi màn hình chất lượng cao của máy.
Các cổng kết nối bao gồm 2 cổng Type-C, HDMI, USB Type-A, khe đọc thẻ nhớ micro SD và cổng 3.5mm.
Máy có thiết kế bản lề Ergolift đặc trưng của dòng máy Zenbook, sẽ nâng máy lên một khoảng để tạo độ nghiêng thoải mái khi gõ phím, cũng hỗ trợ luôn cho khả năng tản nhiệt.
Mặt sau của máy tiếp nối thiết kế độc đáo ở bên trong, trong đó đáng nói nhất là một màn hình 3.5 inch dạng OLED đơn sắc, hãng gọi đây là Zenvision - một cửa sổ nhìn lên vũ trụ.
Đến cả cạnh đáy cũng vẫn có những điểm đặc biệt mà ta cần nói tới.
Bên cạnh dòng chữ Space Edition và số 25 được viết bằng số La Mã ở dưới đáy, ta còn có dòng chữ "Ad Astra Per Aspera", dịch từ tiếng La Tinh ra là "Vượt qua trở ngại để vươn tới các vì sao" - một câu nói đã khơi nguồn cho rất nhiều tác phẩm văn học, bài nhạc và cũng được sử dụng bởi các công ty vũ trụ trên toàn cầu.
Phiên bản mà chúng tôi có tại đây sử dụng Intel i7-12700H với 14 nhân và 20 luồng xử lý, GPU tích hợp iRIS Xe, 16GB RAM và bộ nhớ SSD 1TB M.2 NVMe PCIe 4.0.
Đây là một dòng chip mạnh, nhưng hướng nhiều hơn tới các công việc văn phòng, giải trí nhẹ và sáng tạo nội dung hơn là chơi game vì vẫn thiếu đi GPU rời.
Asus Zenbook 14X OLED Space Edition có giá bán tham khảo là 1600 USD cho phiên bản i7 và lên tới 2000 USD để nâng cấp lên i9-12900H.
Lấy link