Thông tin từ Bộ TT&TT cho biết, tính đến tháng 6/2022, Bộ TT&TT đã cấp phép cho các doanh nghiệp viễn thông thử nghiệm 5G tại 40 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trong đó, Viettel là nhà mạng có nhiều vị trí thử nghiệm nhất, đứng thứ hai là VinaPhone. Bộ TT&TT đang xem xét cấp phép thử nghiệm 5G cho MobiFone. Trong năm 2022, Bộ TT&TT khuyến khích các doanh nghiệp tiếp tục thử nghiệm những ứng dụng của 5G, đánh giá nhu cầu của thị trường, phương án kỹ thuật để xây dựng phương án kinh doanh hiệu quả nhất khi được cấp phép chính thức.
Mới đây, Lào Cai đã thử nghiệm phát sóng dịch vụ 5G tại Sa Pa. Ngoài ra, Sóc Trăng, Ninh Thuận cũng thử nghiệm phát sóng 5G trên địa bàn tỉnh.
Các thủ tục pháp lý cho việc đấu giá băng tần 4G và 5G đang được hoàn thiện để có thể tiến hành trong năm 2022.
Ông Denis Brunetti, Chủ tịch Ericsson Việt Nam, Myanmar, Campuchia và Lào nhấn mạnh, 5G sẽ là hạ tầng số gần như thay thế cơ sở hạ tầng vật lý trong việc xây dựng nền tảng cũng như kết nối xã hội tương lai. Cơ sở hạ tầng số này tạo ra kết nối không chỉ giữa con người với con người mà còn giữa con người với máy móc, giữa máy móc với máy móc. Đó là những cơ sở tạo ra tự động hóa cũng như việc chuyển đổi giữa các ngành công nghiệp.
“Chính phủ Việt Nam đang đi đúng hướng khi thúc đẩy mạng 5G thử nghiệm thương mại từ tháng 12/2020. Chúng ta sẽ có những kinh nghiệm hay khi chính thức áp dụng công nghệ này. Triển khai 5G cũng giống như các thế hệ dịch vụ di động 2G, 3G và 4G. 2G đã có tại Việt Nam từ những năm 90 nhưng đến 2009 - 2010 khi triển khai 3G cũng giống như hòn đảo trên biển 2G, sau này hòn đảo đó dần dần mở rộng ra và trở thành biển. 4G cũng tương tự như vậy và bây giờ 5G đang lặp lại quá trình đó. Trong thời gian tới, khi đấu giá tần số xong có thể những hòn đảo 5G này sẽ được triển khai ở các khu dân cư, thành phố lớn có mật độ cao hay khu công nghiệp, ví dụ như các tỉnh có hoạt động công nghiệp như Bắc Ninh, Hải Dương, Bình Dương, Đồng Nai”, ông Denis Brunetti nói.
Tuy nhiên, ông Denis Brunetti cho rằng, đối với Việt Nam, 4G vẫn còn quan trọng và tồn tại trong khoảng thời gian nữa. Việc tiếp tục đầu tư vào 4G cũng rất quan trọng bởi trong vài năm tới, 4G vẫn là mạng phổ biến. Chúng ta thấy rằng sau thời kỳ đại dịch, mọi người chuyển dần sang thói quen làm việc online nên yêu cầu về mạng băng rộng di động rất lớn, cần mở rộng dung lượng mạng 4G. Nhưng 5G sẽ được triển khai ở các điểm nóng, khu công nghiệp, thành phố lớn và sau đó có thể phát triển nhanh từ năm 2025. Đến năm 2030, 5G dự kiến đem lại cho các nhà khai thác Việt Nam doanh thu 1,5 tỷ USD. Đến năm 2025, 5G có khả năng đóng góp vào sự tăng trưởng GDP của Việt Nam từ 7,3 đến 7,4% bởi công nghệ này có thể nâng cao năng suất lao động, hiệu suất làm việc của doanh nghiệp. Ngoài ra, 5G còn góp phần phát triển về mặt xã hội và kỹ năng số của người dân Việt Nam, từ đó tạo ra những công việc liên quan tới khoa học, công nghệ, môi trường, sản xuất.
Mới đây, Viettel và Qualcomm vừa công bố kế hoạch hợp tác và phát triển các khối vô tuyến 5G (5G Radio Unit), giúp theo dõi sự phát triển, hoạt động triển khai cơ sở hạ tầng và dịch vụ mạng 5G tại Việt Nam và toàn cầu.
Bộ TT&TT xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm là triển khai thương mại 5G với các thiết bị Make in Vietnam. Thiết bị 5G do Việt Nam nghiên cứu, sản xuất đã đầy đủ ở các phân lớp hệ thống mạng 5G gồm mạng lõi, mạng truyền dẫn, mạng truy cập và được triển khai cung cấp thử nghiệm dịch vụ ở một số khu vực.
Lấy link