Ngày 11/7, Grab Singapore thông báo thay đổi chính sách áp dụng phí thời gian chờ. Cụ thể, theo thông báo gửi khách hàng và tài xế, từ ngày 18/7, người dùng sẽ phải trả phí nếu bắt tài xế chờ quá 3 phút thay vì 5 phút như trước. Sau đó, mức phí khách hàng phải chịu là 3 SGD (50.000 đồng) cho mỗi 5 phút tài xế phải đợi.
Không rõ lý do vì sao Grab lại rút ngắn thời gian chờ như vậy. Chính sách áp dụng cho các dịch vụ JustGrab, GrabCar, GrabCar Plus, GrabCar Premium, GrabPet và GrabFamily tại Singapore.
Theo website Grab, phụ phí xe chờ có mặt từ khoảng tháng 12/2016. Ban đầu, các khoản phí được tài xế Grab tự cộng vào khi hết thời gian chờ. Tuy nhiên, từ tháng 1/2020, Grab tính toán tự động và cộng thêm phí vào cước xe của khách hàng.
Ngoài ra, Grab cũng giảm thời gian hủy chuyến sau khi tài xế nhận cuốc từ 5 phút xuống 3 phút. Khách hàng vẫn phải trả phí hủy 4 SGD (hơn 66.000 đồng). Chính sách cũng có hiệu lực từ 18/7.
Tại Việt Nam, Grab áp dụng phí “Xe chờ quá 05 phút” từ ngày 10/10/2019 nhằm “hỗ trợ và giảm thời gian chờ khách cho đối tác tài xế, trong trường hợp Khách hàng đặt xe nhưng không xuất hiện hoặc xuất hiện trễ hơn 05 phút sau khi đối tác tài xế đã tới điểm đón mà khách hàng đã đặt trên ứng dụng Grab, khiến đối tác tài xế phải huỷ chuyến và không thể thực hiện cuốc xe”.
Đối thủ của Grab, Gojek, không thu phí chờ nhưng hành khách phải trả 4 SGD phí hủy chuyến trong một số trường hợp nhất định. Đó là nếu họ hủy chuyến 5 phút sau khi tài xế nhận cuốc; hủy ngay khi tài xế tới điểm đón; hoặc hủy sau hơn 5 phút kể từ khi tài xế thông báo đã đến nơi.
Một dịch vụ gọi xe khác là Ryde tính phí hủy 5,3 SGD nếu khách hủy chuyến 4 phút sau khi gọi xe. Tài xế cũng có thể tính phí chờ 5,3 SGD nếu họ phải chờ hơn 4 phút.
Tài xế và hành khách phản ứng ra sao?
Theo tờ TodayOnline của Singapore, tài xế Grab hoan nghênh động thái này của Grab. Một trong số họ, Alan Chee, 59 tuổi, nói rằng giảm thời gian chờ sẽ có lợi cho tài xế. “Nó không phải điều xấu nhưng sẽ gây thêm áp lực cho hành khách”. Dù vậy, người đàn ông này cho biết ông thường trả lại 3 SGD cho hành khách, trừ phi họ từ chối. Ông không thường phải chờ khách, nếu có, nó thường xảy ra tại các khu phức hợp nơi điểm đón cách xa chỗ ở của khách.
Tài xế Grab Avery Hoo, 41 tuổi, nói ông nằm trong nhóm tài xế phản hồi về thời gian chờ lên Grab. Gần như tất cả đều muốn giảm thời gian chờ vì ít nhất một nửa khách hàng của họ đều chỉ đến điểm đón sau 4 phút hoặc hơn. “Với chúng tôi, thời gian là tiền bạc. Grab cũng đồng tình”.
Trong khi đó, hành khách Renee Koh lại cho biết chính sách mới của Grab sẽ ảnh hưởng đến quyết định đặt xe cho mẹ của mình, người có vấn đề về đi lại. Cô thường gọi xe cho mẹ 1 lần mỗi 2 tuần. Nữ giáo viên 32 tuổi nói thêm: “Tôi hiểu vì sao thời gian chờ lại giảm nhưng hi vọng tài xế sẽ thấu hiểu. 5 phút chờ là vừa vặn với chúng tôi”. Cô dự định từ nay sẽ xuống sảnh rồi mới gọi xe.
Mohamed Khairul Ismail, 27 tuổi, người thường đi Grab khoảng 2-3 lần/tuần, nói điều này không ảnh hưởng đến mình vì anh thường có mặt trong vòng 3 phút và theo dõi ứng dụng để đảm bảo đúng giờ. Tuy nhiên, do thời gian chờ rút ngắn, có lẽ anh sẽ chỉ đặt Grab nếu không có các phương tiện công cộng như xe buýt hay tàu điện.
Lấy link