Ruồi nhuế Nam Cực, loài côn trùng bản địa duy nhất được biết đến ở châu Nam Cực, đang bị đẩy tới bờ vực tuyệt chủng do khí hậu ấm lên, từ đó có thể khiến lưới thức ăn của lục địa này thay đổi, theo nghiên cứu xuất bản trên tạp chí Functional Ecology hôm 12/6.
Ruồi nhuế Nam Cực là loài côn trùng không biết bay với kích thước nhỏ hơn hạt đậu. Chúng đã tiến hóa để tồn tại trong những điều kiện vô cùng khắc nghiệt. Theo nhóm nghiên cứu, trong đó có chuyên gia Jack Devlin tại Đại học Kentucky, Mỹ, mùa đông trong vùng ấm lên đang đe dọa đến sự tồn tại của chúng.
Loài vật này hoàn thành vòng đời trong khoảng hai năm, trong đó phần lớn thời gian là ở dạng ấu trùng. Trong nghiên cứu mới, nhóm chuyên gia đánh giá phản ứng của ấu trùng với mùa đông mô phỏng kéo dài khoảng sáu tháng với 3 tình huống nhiệt là ấm (-1 độ C), bình thường (-3 độ C) và lạnh (- 5 độ C). Với mỗi tình huống, họ đặt ấu trùng vào 3 kiểu môi trường riêng biệt mà chúng thường sinh sống gồm vật chất hữu cơ đang phân hủy, rêu sống và tảo Prasiola crispa.
Theo dõi các giai đoạn mùa đông mô phỏng, nhóm nhà khoa học đo lường khả năng sống sót, sự vận động, tổn thương mô, mức dự trữ năng lượng và phản ứng căng thẳng phân tử của ấu trùng. Kết quả, việc mùa đông ấm lên 2 độ C có thể làm giảm tỷ lệ sống sót của côn trùng, đồng thời giảm mức dự trữ năng lượng. Sự thiếu hụt năng lượng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển và sinh sản về sau.
Nếu ấu trùng đốt cháy nhiều năng lượng dự trữ hơn khi mùa đông ấm lên thì cuối cùng, chúng sẽ tuyệt chủng ở một số hòn đảo nhất định, theo nhà côn trùng học Joshua Benoit tại Đại học Cincinnati. Châu Nam Cực có rất ít loài chỉ sinh sống trên cạn nên việc mất đi loài ruồi nhuế bản địa cũng có thể làm thay đổi mạng lưới thức ăn của lục địa này.
"Theo chúng tôi biết, đây là nghiên cứu đầu tiên mô phỏng đủ độ dài của mùa đông và xác định tổn thất sinh lý trong các môi trường mùa đông khác nhau ở động vật chân khớp châu Nam Cực. Kết quả cho thấy mùa đông tiếp tục ấm lên ở Bán đảo Nam Cực có thể tác động xấu đến những loài vật không xương sống vốn thích nghi với cái lạnh và các cộng đồng liên quan sống trên cạn", nhóm nghiên cứu cho biết.
Thu Thảo (Theo Independent)
- Hydro xanh - chìa khóa chống biến đổi khí hậu
- Chim cánh cụt chết hàng loạt không rõ nguyên nhân