Đằng sau sự lên ngôi của người Ấn tại Silicon Valley

Microsoft, Google, IBM, Twitter, Adobe và nhiều công ty có ảnh hưởng lớn trong giới công nghệ khác đều có một điểm chung, đó là vị trí điều hành cao nhất do những người gốc Ấn nắm giữ.


Giấc mơ Mỹ


Mọi căn nguyên sự thay đổi trong xã hội luôn có tác động từ các chính sách. Trong trường hợp này, đó là kết quả của sự thay đổi trong chính sách nhập cư của Chính phủ Mỹ từ những năm 1960, khi hạn ngạch (quota) nhập cư dựa trên quốc tịch được thay bằng các hạn ngạch ưu tiên các kỹ năng nghề nghiệp cao và sự đoàn tụ gia đình.


Chính sách khuyến khích người tài của Mỹ đã mở ra cơ hội cho những người Ấn Độ có trình độ học vấn cao, ban đầu là các nhà khoa học, kỹ sư và bác sỹ, rồi sau đó là các lập trình viên phần mềm tới với đất nước này.


Tới nay, người nhập cư gốc Ấn chiếm khoảng 1% dân số toàn nước Mỹ và 6% lực lượng lao động tại Silicon Valley. Hơn 1 triệu trong số đó là các kỹ sư và nhà khoa học. Hơn 70% thị thực H-1B dành cho lao động nước ngoài được cấp cho các kỹ sư phần mềm Ấn Độ, có tới 40% kỹ sư gốc nước ngoài tại các thành phố lớn như Seattle đến từ quốc gia tỷ dân ở châu Á.


Đằng sau sự lên ngôi của người Ấn tại Silicon Valley - Ảnh 1.


Theo tác giả của cuốn sách “The Other One Percent: Indians in America” (1% khác: Người Ấn tại Mỹ), nhóm người nhập cư từ Ấn Độ không giống với các nhóm nhập cư từ các quốc gia khác. Họ không chỉ là những người có đủ khả năng (về tài chính và năng lực) để theo học các trường đại học danh tiếng tại Mỹ, mà còn dự định xa hơn với việc theo đuổi tấm bằng Thạc sỹ hoặc cao hơn tại đây. Và cuối cùng, hệ thống thị thực tiếp tục phân loại nhóm này theo từng kỹ năng cụ thể, như khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học… hay còn gọi là danh mục “nhu cầu thị trường lao động cao cấp”.


Sự thăng tiến của Satya Nadella (Microsoft), Parag Agrawal (Twitter), Sundar Pichai (Alphabet), Arvind Krishna (IBM)… là kết quả của cả một quá trình lâu dài, bắt nguồn từ chính sách nhập cư cho tới việc nắm bắt cơ hội, từng bước leo lên bậc thang tại công ty mà họ đầu quân. Chính điều này giúp các CEO gốc Ấn luôn có cảm giác khiêm tốn, khác biệt với các nhà sáng lập thường được biết đến với hình ảnh kiêu ngạo và lạm quyền.


Xuất phát từ một xã hội đa tầng


Ấn Độ có một xã hội đa dạng với nhiều phong tục và ngôn ngữ khác nhau. Tại đây có tới 6 tôn giáo lớn và 22 ngôn ngữ Hiến pháp công nhận. Mỗi vùng miền lại có phong tục tập quán và đặc trưng riêng. Sự đa dạng này giúp các CEO gốc Ấn có khả năng xử lý các tình huống phức tạp, đặc biệt trong quy mô một tổ chức, vốn giống một xã hội thu nhỏ.


Satya Nadella trở thành CEO Microsoft năm 2014. Sinh ra tại Ấn Độ, với niềm tin Phật giáo, ông biến Microsoft từ một công ty cứng rắn, luôn nghĩ mình biết tất cả, trở thành một công ty tươi mới với tinh thần luôn học hỏi. Tất cả các nét văn hoá cũ, các hành vi hung hăng đều bị loại bỏ. Kết quả, Microsoft từ chỗ vốn hoá chỉ 300 tỷ USD, nay đã vươn thành công ty có giá trị đứng thứ 2 thế giới với 2.500 tỷ USD.


Tương tự, Sundar Pichai cũng kế thừa một công ty có vấn đề về văn hoá. Google được biết đến với văn hoá công sở dễ dãi, nơi các mối quan hệ tình ái, quấy rối tình dục giữa các lãnh đạo điều hành và nhân viên tạo ra căng thẳng nội bộ. Bằng phong cách nhẹ nhàng, khiêm tốn, Pichai cũng đã dần đưa công ty thoát khỏi nét văn hoá cũ.


Saritha Rai, phụ trách lĩnh vực công nghệ Ấn Độ của Bloomberg News, cho biết, phẩm chất không khoa trương và năng lực lãnh đạo chính là một điểm cộng đối với các CEO người Ấn. Cùng với sự thận trọng, tính suy ngẫm và cách tiếp cận đa văn hoá khiến những lãnh đạo gốc Ấn này dễ dàng trở thành ứng cử viên hàng đầu dẫn dắt công ty, đặc biệt trong bối cảnh danh tiếng của các công ty công nghệ lớn đã giảm sút.


Văn hoá là chìa khoá


Giáo dục Ấn Độ cũng chú trọng toán học và các môn khoa học, tạo ra ngành công nghiệp phần mềm phát triển mạnh, cũng như luôn tập trung bồi dưỡng các kỹ năng phù hợp cho sinh viên, là sự tương đồng với các trường kỹ thuật và quản lý hàng đầu tại Mỹ.


Các gã khổng lồ công nghệ lựa chọn nhân sự gốc Ấn cho vị trí điều hành cao nhất dù người Mỹ cũng có trình độ tương đương. Câu trả lời nằm ở các giá trị văn hoá và khát vọng sinh tồn bản thân.


Tại một đất nước hơn tỷ dân, với nạn tham nhũng tràn lan, cơ sở hạ tầng không đồng bộ, cơ hội hạn chế, để kiếm sống đã khó chứ chưa nói tới chuyện vươn lên.


Trong bối cảnh an sinh xã hội không được đảm bảo, giá trị gia đình, tình đoàn kết có vai trò quan trọng. Do đó, có thể thấy rõ khuynh hướng hợp tác, thay vì cạnh tranh đối đầu của các CEO người Ấn. Điều này giúp các công ty công nghệ trở nên “mềm mại” hơn và tập trung được nguồn lực cho các sản phẩm mới.


“Đây là các đặc điểm mà bất kỳ hội đồng quản trị nào cũng nhận ra và đánh giá cao, đặc biệt khi cần thay thế những người sáng lập công ty kiêu ngạo, những người tin rằng họ có quyền làm việc của mình. Chính những điều này cho phép một giám đốc điều hành có thể thay đổi văn hoá của cả công ty”, Vivek Wadhwa, doanh nhân và học giả công nghệ, khẳng định.


Đây có thể là lý do tại sao hội đồng quản trị Twitter thông qua đề xuất của cựu CEO Jack Dorsey, bổ nhiệm Parag Agrawal, một kỹ sư công nghệ gốc Ấn ít ai biết đến vào vị trí kế nhiệm. Đó có thể chính là nét văn hoá mà Twitter cần tại thời điểm này, khi công ty đã nhận được nhiều chỉ trích về văn hoá làm việc độc hại và sự vô cảm với các hành vi lạm dụng diễn ra trên nền tảng mạng xã hội đang quản lý.


Bên cạnh đó, người Ấn Độ khi chuyển tới một vùng đất mới luôn mang theo hành trang là sự khiêm tốn. Họ chia sẻ các câu chuyện bỏ lại địa vị xã hội ở quê nhà và chấp nhận làm việc từ nấc thang thấp nhất. Nhìn vào hành trình thăng tiến của các nhân sự gốc Ấn lên vị trí cao nhất tại Microsoft, Google, IBM hay Twitter và nhiều công ty khác, có thể thấy họ đều có quá trình gắn bó, chứng kiến thăng trầm của công ty và thu được nhiều bài học quý giá khi bắt đầu từ đầu.


Các nhân sự người Ấn học được cách kiên cường đương đầu với khó khăn và tận dụng tất cả những gì họ có. Họ tìm cách giải quyết vấn đề tạo ra bởi nhà nước và xã hội bất công, nơi có khoảng cách giàu nghèo rõ rệt hơn nơi nào hết. Tinh thần kinh doanh, sự sáng tạo và tháo vát cần thiết để đối phó với các trở ngại, đã trở thành lợi thế để tham gia cuộc chơi công nghệ khắc nghiệt này.


Lấy link







Dang sau su len ngoi cua nguoi An tai Silicon Valley


Microsoft, Google, IBM, Twitter, Adobe va nhieu cong ty co anh huong lon trong gioi cong nghe khac deu co mot diem chung, do la vi tri dieu hanh cao nhat do nhung nguoi goc An nam giu.

Đằng sau sự lên ngôi của người Ấn tại Silicon Valley

Microsoft, Google, IBM, Twitter, Adobe và nhiều công ty có ảnh hưởng lớn trong giới công nghệ khác đều có một điểm chung, đó là vị trí điều hành cao nhất do những người gốc Ấn nắm giữ.
Đằng sau sự lên ngôi của người Ấn tại Silicon Valley
www.tincongnghe.net
Giới thiệu cho bạn bè
  • gplus
  • pinterest

Bình luận

Đăng bình luận

Đánh giá: