Các quan chức của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) cho biết, bất chấp sự cố rò rỉ hydro, cuộc diễn tập tiền phóng kéo dài hơn 50 giờ của tên lửa đẩy SLS diễn ra "cực kỳ suôn sẻ", Space thông tin.
NASA đã phải mất tổng 4 lần thử (3 lần trước đó đều thất bại) để cung cấp đầy đủ nhiên liệu cho tên lửa Mặt trăng - Hệ thống Phóng Không gian (SLS) mới của mình. Và mặc dù cuộc diễn tập tiền phóng có một chút vấn đề mới xảy ra trong lần đếm ngược thực hành hôm 20/6/2022, các nhà quản lý cấp cao NASA cho biết họ hài lòng với hiệu suất của tên lửa đẩy khổng lồ này.
"Chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi đã có một cuộc diễn tập thực sự thành công. NASA biết rằng sẽ vẫn còn một số việc cần giải quyết trước khi ấn định ngày bay chính thức của SLS", Tom Whitmeyer, Phó giám đốc Phát triển Hệ thống Thăm dò NASA, cho biết tại cuộc họp báo của NASA hôm 21/6.
Giả sử việc sửa chữa một ống nối hydro bị rò rỉ thành công, các nhà quản lý có thể quyết định thực hiện thêm một cuộc thử nghiệm nhiên liệu khác, hoặc họ có thể kết luận rằng họ đã có đủ dữ liệu để bắt đầu một chiến dịch bay vào không gian dự kiến khởi động vào cuối mùa hè 2022 mà không mất thời gian vào một buổi diễn tập tiền phóng khác.
Tên lửa SLS của NASA đặt trên bệ phóng tại Trung tâm Vũ trụ Kennedy ở Florida cho cuộc thử nghiệm quan trọng diễn ra vào tháng 6/2022. Ảnh: NASA's Exploration Ground Systems via Twitter
Trong cuộc họp, Tom Whitmeyer và các quản lý cấp cao khác đã không đưa ra suy đoán về điều gì xảy ra tiếp theo. Nhưng Mike Sarafin, Giám đốc sứ mệnh chương trình Mặt Trăng Artemis tại trụ sở NASA, cho biết tên lửa SLS hiện đã hoàn thành hầu hết các mục tiêu trước chuyến bay của cơ quan.
Cuộc diễn tập tiền phóng này là bước cuối cùng cần phải vượt qua của SLS trước khi lên đường thực hiện sứ mệnh Artemis giai đoạn I [Khi đó, NASA sẽ dùng SLS để phóng tàu vũ trụ Orion chưa có người lái bay xung quanh quỹ đạo Mặt Trăng trong 3 tháng và sau đó trở về Trái Đất].
"NASA đã hoàn thành 90% mục tiêu đề ra trong cuộc diễn tập tiền phóng lần thứ tư này. Đây là một cột mốc quan trọng đối với sứ mệnh Mặt trăng Artemis I. Dù còn nhiều việc phải làm nhưng NASA sẽ sớm cho SLS cất cánh" - Mike Sarafin lạc quan nói.
Chạy chậm nhiều năm so với kế hoạch và vượt quá ngân sách hàng tỷ USD, NASA đang trong giai đoạn cuối của quá trình thử nghiệm tên lửa SLS khổng lồ và các hệ thống phức tạp của nó trước khi phóng nó lên vũ trụ trên chuyến bay đầu tiên thuộc khuôn khổ Chương trình Artemis nhằm đưa hai phi hành gia (một nam, một nữ) tái đổ bộ Mặt Trăng.
SLS là trụ cột của Chương trình Artemis của NASA, một sứ mệnh tiếp theo thời đại mới tính từ thời Apollo mà cơ quan vũ trụ hy vọng sẽ giúp thiết lập sự hiện diện thường xuyên của con người trên Mặt Trăng.
QUÁ TAM BA BẬN
Để dọn đường cho việc phóng, NASA đã thử động cơ tầng 1 của tên lửa hồi tháng 3/2021; sau đó vận chuyển tầng động cơ này đến Trung tâm Vũ trụ Kennedy ở Cape Canaveral, bang Florida; tiếp theo là gắn nó với một cặp tên lửa đẩy nhiên liệu rắn do Northrop Grumman sản xuất; lắp ráp thêm tầng trên của tên lửa do United Launch Alliance sản xuất; và cuối cùng là gắn tàu vũ trụ Orion Lockheed Martin chế tạo vào đỉnh của tên lửa.
Tổng chiều cao của tên lửa SLS là hơn 100 mét. Đây là tên lửa đẩy mạnh nhất từng được NASA chế tạo. Cả cụm tên lửa đã được chiếc bánh xích khổng lồ của NASA vận chuyển từ Tòa nhà lắp ráp phương tiện VAB ra Bệ phóng 39B vào tháng 3/2022 để tiến hành cuộc diễn tập tiền phóng quan trọng cuối cùng trước khi cho SLS cất cánh lên không trung.
SLS là tên lửa đẩy mạnh nhất từng được NASA chế tạo. Ảnh: NASA
Tên lửa SLS hai giai đoạn sử dụng hydro lỏng (LH2) và oxy lỏng (LOX) làm chất đẩy hypergolic.
Mục tiêu của nhóm phóng là nạp 750.000 gallon nhiên liệu hydro và oxy lỏng siêu lạnh vào tên lửa, sau đó đếm ngược đến T-9 giây, thời điểm mà các động cơ sẽ bắt đầu bốc cháy trong một lần phóng thực tế, để kiểm tra các hệ thống máy tính phức tạp, phần mềm và phần cứng trong điều kiện ngày bay.
Đồng thời, nhóm phóng cũng đã lên kế hoạch kiểm tra khả năng dừng đồng hồ và tái sử dụng: Để đảm bảo hệ thống có thể xử lý các sự cố có thể gây ra độ trễ giây cuối cùng trong quá trình đếm ngược thực tế.
NHƯNG một loạt các vấn đề khó chịu của hệ thống chủ yếu là hệ thống mặt đất, cùng với sự cố rò rỉ hydro trong ống nối đường nhiên liệu, sự cố với van heli giai đoạn hai bị kẹt và sự thiếu hụt nitơ dạng khí được sử dụng trong hệ thống phòng cháy, đã khiến 3 lần nạp nhiên liệu liên tiếp (3 cuộc diễn tập tiền phóng trước đó) thất bại.
Tên lửa SLS đã được đưa trở lại VAB để sửa chữa và sau đó quay trở lại bệ hồi đầu tháng 6/2022 này. Trong lần thử nghiệm tiền phóng thứ tư hôm 20/6, các kỹ sư cuối cùng đã có thể nạp nhiên liệu đầy đủ cho SLS, bơm 750.000 gallon oxy và hydro lỏng siêu lạnh vào 4 thùng nhiên liệu cho động cơ RS-25 giai đoạn 1 và 2.
Nhưng trước khi các bồn chứa đầy, các kỹ sư đã phát hiện ra một vấn đề mới: Ống nối nhanh hydro dài 10cm bị rò rỉ. Hệ thống này được sử dụng để định tuyến hydro qua bốn động cơ RS-25 giai đoạn đầu để làm mát hoặc điều hòa chúng một cách thích hợp trước khi đánh lửa.
Mục tiêu ban đầu là đếm ngược đến T-33 giây, thời điểm mà máy tính mặt đất sẽ chuyển giao cho phần mềm bay của SLS, và sau đó để quay trở lại T-10 phút. Ý tưởng là để kiểm tra khả năng khôi phục của hệ thống sau sự cố. Kế hoạch sau đó kêu gọi tiếp tục đếm và tiếp tục xuống đến T-9,3 giây.
Tàu vũ trụ Orion (màu trắng) trên đỉnh tên lửa SLS. Ảnh: WILLIAM HARWOOD/CBS NEWS
Nhưng vào lần thử thứ tư, do ống nối nhanh bị rò rỉ trong đường chảy hydro và việc khắc phục sự cố mất thời gian, nhóm phóng NASA đã chọn bỏ qua công đoạn ở giây 33 và tiếp tục đếm ngược qua thời gian chuyển giao với phần mềm bay của tên lửa.
Điều gì xảy ra tiếp theo vẫn chưa rõ ràng.
Khoảng thời gian phóng lên Mặt Trăng thực tế tiếp theo của SLS, dựa trên chuyển động của Trái Đất và Mặt Trăng và quỹ đạo dự kiến của tàu vũ trụ Orion, có khả năng sẽ diễn ra vào ngày 23/8/2022. Một cuộc thử nghiệm nhiên liệu khác có thể khiến NASA phải chọn lịch bay vượt quá thời hạn đó. Tuy nhiên, NASA vẫn chưa xác định chắc chắn ngày phóng là khi nào.
Kết thúc cuộc diễn tập tiền phóng hôm 21/6, các quan chức của NASA tỏ ra lạc quan về con đường phía trước. Kế hoạch đưa người trở lại Mặt Trăng đang rộng mở hơn bao giờ hết!
https://soha.vn/ong-noi-10cm-ro-ri-ten-lua-manh-nhat-lich-su-nasa-song-sot-o-thu-nghiem-cuoi-cung-20220623075917744.htm Lấy link