Tờ CNN đưa tin, Bộ trưởng Tư pháp Karl Racine vừa đệ đơn kiện CEO Mark Zuckerberg với các cáo buộc có liên quan đến bê bối của công ty dữ liệu Cambridge Analytica hồi năm 2018. Vào thời điểm đó, nhiều thông tin cho thấy ít nhất 87 triệu người dùng Facebook đã bị thu thập dữ liệu trái phép, trong đó, Mỹ, Philippines, Indonesia, Anh, Mexico… là những quốc gia bị thu thập nhiều hơn cả.
Lá đơn được gửi lên toà án cấp cao tại DC, cho thấy nỗ lực mới nhất của ông Racine nhằm buộc Mark Zuckerberg phải chịu trách nhiệm về cách xử lý quyền riêng tư và dữ liệu người dùng. Được biết, văn phòng của Bộ trưởng Tư pháp đã kiện Facebook trong nhiều năm vì cho rằng tập đoàn này không giám sát việc thu thập dữ liệu của đối tác bên thứ ba, đồng thời không tiết lộ với truyền thông bê bối của Cambridge Analytica.
Ông Racine cho biết điều khiến vụ kiện lần này trở nên khác biệt, là bên nguyên đơn đã thu thập được thêm nhiều bằng chứng liên quan đến Facebook.
“Bằng chứng cho thấy Mark Zuckerberg có liên quan mật thiết đến việc Facebook không bảo vệ quyền riêng tư và dữ liệu của người dùng trong vụ Cambridge Analytica. Những vi phạm về bảo mật chưa từng có tiền lệ này đã khiến hàng chục triệu thông tin người dùng bị rò rỉ. Ngoài ra, các chính sách của Mark Zuckerberg cũng tạo điều kiện để trang mạng xã hội này đánh lừa người dùng trước những hành vi sai trái’’, ông Racine nói. “Đây chính là thông điệp gửi tới các nhà lãnh đạo Facebook, bao gồm cả các CEO, rằng họ sẽ phải chịu trách nhiệm về những việc làm của mình’’.
Ngoài ra, cáo buộc còn cho rằng Mark Zuckerberg đã "cung cấp thông tin trực tiếp về các chính sách nội bộ của Facebook liên quan đến việc chia sẻ dữ liệu trên nền tảng, đồng thời xem xét sử dụng dữ liệu từ một số ứng dụng’’.
“Với tư cách là Giám đốc điều hành, Zuckerberg có quyền kiểm soát các hành vi thương mại lừa đảo và phải minh bạch với người dùng về những việc làm sai trái của mình’’, đơn cáo buộc nêu rõ, đồng thời khẳng định vị CEO này phải bồi thường thiệt hại và cam kết không vi phạm luật bảo vệ người dùng một lần nào nữa.
Meta, công ty mẹ của Facebook, hiện vẫn giữ im lặng trước thông tin trên. Andy Stone, phát ngôn viên Meta, chỉ cho rằng đây là "thời điểm quan trọng" để phía toà án xem xét lại những phán quyết trước đó với Facebook.
Trước đó, sau khi bê bối có liên quan đến công ty Cambridge Analytica bị phanh phui, CEO Mark Zuckerberg đã thừa nhận rằng Facebook đã làm sai và thất bại trong việc bảo vệ dữ liệu khách hàng.
"Chúng tôi có trách nhiệm bảo vệ dữ liệu của các bạn và nếu chúng tôi không thể làm điều đó, chúng tôi không xứng đáng được phục vụ các bạn", Zuckerberg chia sẻ trên trang cá nhân Facebook.
Trả lời phỏng vấn độc quyền với trang CNN hồi năm 2018, vị tỷ phú này cũng nhận lỗi: "Đây là một sự vi phạm nghiêm trọng về lòng tin và tôi thực sự xin lỗi vì những gì đã xảy ra".
Mất mát lớn nhất mà Facebook gánh chịu có lẽ là lòng tin của người dùng. Từ khoá #DeleteFacebook được chia sẻ rầm rộ trên Twitter và nhiều trang mạng xã hội khác. Ngay cả đồng sáng lập Brian Acton của WhatsApp, công ty mà Facebook bỏ 19 tỷ USD ra mua lại năm 2014, cũng kêu gọi bạn bè tẩy chay trang mạng này.
Trước đó, sau tuyên bố ngừng cung cấp "các sản phẩm và dịch vụ cốt lõi", bao gồm Facebook và Instagram tại Anh và châu Âu, Facebook cũng phải đối mặt với làn sóng tẩy chay mạnh mẽ từ một loạt người dùng, nhất là tại châu Phi, Mỹ Latin và Ấn Độ. Khủng hoảng chồng khủng hoảng khiến lần đầu tiên "dân số" mạng xã hội Facebook sụt giảm 1 triệu tài khoản chỉ sau 3 tháng, tính đến tháng 2/2022.
Theo: CNN
Lấy link