Việt Nam và Ấn Độ, hai nước đang chiếm tỉ trọng nhỏ trong hoạt động sản xuất của Apple, nằm trong số các quốc gia nhận được sự quan tâm hơn từ Apple. Hiện nay, hơn 90% sản phẩm của hãng như iPhone, iPad, MacBook đều được sản xuất tại Trung Quốc. Sự lệ thuộc của “táo khuyết” vào Trung Quốc là một nguy cơ tiềm tàng vì xung đột Mỹ - Trung và chính quyền Bắc Kinh.
Bất kỳ động thái nào của Apple, công ty của Mỹ lớn nhất tính theo vốn hóa thị trường, trong việc chuyển dịch sản xuất khỏi Trung Quốc đều có thể ảnh hưởng đến tư duy của các công ty phương Tây khác. Điều này đặc biệt nổi bật hơn trong năm nay sau khi Bắc Kinh từ chối trừng phạt Nga vì cuộc chiến tại Ukraine và thực hiện phong tỏa tại một số thành phố để chống dịch.
Người phát ngôn Apple từ chối bình luận. Còn với CEO Tim Cook, khi được hỏi về chuỗi cung ứng Apple hồi tháng 4, ông nói: “Chuỗi cung ứng của chúng tôi thực sự toàn cầu, vì thế các sản phẩm được làm ra ở mọi nơi. Chúng tôi tiếp tục tìm cách tối ưu hóa”.
Apple đã muốn đa dạng hóa từ trước khi Covid-19 hoành hành trên khắp thế giới vào đầu năm 2020 song các nỗ lực trở nên phức tạp hơn vì dịch bệnh. Công ty Cupertino đang một lần nữa thúc giục và đề nghị các nhà thầu tìm địa bàn xây dựng cơ sở mới.
Phong tỏa tại Thượng Hải và các thành phố khác trong nước đã gây ra nút thắt chuỗi cung ứng cho nhiều công ty nước ngoài. Apple cảnh báo làn sóng Covid-19 sẽ gây tổn thất khoảng 8 tỷ USD trong quý này. Các lệnh cấm di chuyển đồng nghĩa Apple phải giảm tần suất gửi lãnh đạo và kỹ sư sang Trung Quốc trong 2 năm vừa qua nên rất khó để kiểm tra trực tiếp các cơ sở sản xuất. Sự cố mất điện năm ngoái cũng ảnh hưởng đến uy tín của Trung Quốc.
Dù nhiều doanh nghiệp phương Tây đối diện với vấn đề tương tự ở Trung Quốc, quy mô của Apple giúp họ có lợi thế hơn khi đàm phán với nhà thầu, theo chuyên gia phân tích Ming Chi Kuo. “Chỉ có một công ty như Apple mới có thể gây áp lực để dịch chuyển chuỗi cung ứng như vậy”, ông nhận xét.
Tuy nhiên, người trong ngành cho biết có nhiều lý do Apple lại giữ Trung Quốc làm trung tâm sản xuất: lực lượng lao động được đào tạo bài bản, chi phí thấp so với Mỹ, mạng lưới các nhà cung ứng sâu rộng rất khó lặp lại tại nơi khác. Ngoại trừ Ấn Độ, số lượng lao động lành nghề tại Đại lục thậm chí còn vượt quá cả dân số của nhiều nước khác ở châu Á. Chính quyền địa phương cũng làm việc chặt chẽ với Apple để bảo đảm nhà thầu được hỗ trợ về đất đai, người lao động, cung ứng.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường ngày 19/5 khẳng định Bắc Kinh muốn là “điểm nóng” đầu tư nước ngoài và sẽ hợp tác với công ty ngoại để bảo đảm những quy định của họ không biến động mạnh.
Một lợi thế khác là Apple có thể bán được nhiều điện thoại, máy tính “made in China” cho người dân trong nước. Trung Quốc chiếm khoảng 1/5 doanh số toàn cầu của “táo khuyết”. Hồi đầu năm, ông Cook tiết lộ 4 điện thoại bán chạy nhất ở đô thị Trung Quốc là iPhone.
Như vậy, xét tới quy mô của thị trường nội địa và hệ sinh thái sản xuất hùng mạnh, Trung Quốc sẽ luôn đứng đầu danh sách đối với những công ty như Apple. Theo nguồn tin của Thời báo Phố Wall, Apple xem Ấn Độ là nước gần vị thế của Trung Quốc nhất nhờ dân số đông và chi phí rẻ. Foxconn và Wistron đều đã có nhà máy iPhone ở Ấn Độ. Song vấn đề là các công ty lắp ráp Trung Quốc lại khó xây dựng nhà máy ở đây vì quan hệ căng thẳng giữa New Delhi và Bắc Kinh.
Vì lẽ đó, các nhà thầu Trung Quốc của Apple đang nhìn sang Việt Nam và các nước Đông Nam Á khác. Việt Nam giáp với Trung Quốc và là trung tâm sản xuất cho Samsung. Luxshare cũng sản xuất tai nghe AirPods cho Apple ở Việt Nam.
Trong một cuộc điện đàm với nhà đầu tư, Luxshare cho biết khách hàng của họ lo ngại về nguồn điện và dịch bệnh – hai thách thức mà Trung Quốc đang gặp phải. Những khách hàng này muốn đối tác nhìn ra ngoài Trung Quốc khi thực hiện các công việc trong giai đoạn giới thiệu sản phẩm mới (NPI). Trong giai đoạn NPI, nhà thầu sẽ chuyển hóa bản vẽ và nguyên mẫu sản phẩm của một hãng thành một kế hoạch sản xuất chi tiết.
Nguồn tin của Thời báo Phố Wall cho hay, Apple thông báo với đối tác sản xuất về việc muốn làm NPI nhiều hơn bên ngoài Trung Quốc. Nếu điều đó xảy ra, các địa bàn sản xuất không phải Trung Quốc sẽ có khả năng phát triển thành địa bàn sản xuất toàn diện thay vì chỉ sao chép kế hoạch được phát triển ở Đại lục. Những bước như vậy đòi hỏi đầu tư lớn từ nhà cung ứng, một điều không dễ vào lúc này khi triển vọng kinh tế toàn cầu đang bị bao phủ bởi giá hàng hóa cao, cuộc chiến tại Ukraine và rung lắc trên thị trường chứng khoán.
Tiền mặt là thứ cần thiết trong thời kỳ bất ổn, một quan chức nhà thầu cho biết, nhưng các nhà cung ứng phải đi đến nơi mà Apple sẽ đi nếu họ muốn giữ việc làm ăn của mình.
Theo WSJ
Lấy link