Để tiến hành thí nghiệm, các nhà khoa học đã thuyết phục NASA cho mượn một số mẫu đất ở tầng phong hóa của mặt trăng, vốn được thu thập từ nhiều địa điểm khác nhau trong ba sứ mệnh Apollo diễn ra từ 5 thập kỷ trước.
Sau đó, họ gieo hạt cây Arabidopsis vào những mẫu đất mặt trăng nghèo dinh dưỡng và chờ xem có gì xảy ra không.
Trước sự ngỡ ngàng của các nhà khoa học, mầm xanh bắt đầu xuất hiện chỉ sau 2 ngày. Tuy nhiên, sau ngày thứ 6, họ nhận ra cây dường như không được khỏe mạnh như khi trồng bằng đất Trái đất, hay thậm chí là những cây thuộc các nhóm kiểm soát (trong thí nghiệm thường có 2 nhóm là nhóm thí nghiệm và nhóm kiểm soát; nhóm kiểm soát là nhóm không nhận được thay đổi gì mới trong quá trình thực hiện thí nghiệm) vốn sử dụng chất nền giả lập đất mặt trăng làm từ tro núi lửa. Ví dụ, cây trồng bằng đất mặt trăng tăng trưởng chậm hơn, và rễ thì khá còi cọc, một số còn bị còi lá và có dấu hiệu ngả sang màu đỏ.
Vào ngày thứ 20, ngay trước khi các cây trồng bắt đầu ra hoa, nhóm đã thu hoạch toàn bộ để nghiên cứu RNA (ribonucleic acid), một loại acid nucleic hiện diện trong mọi tế bào sống, có cấu trúc tương tự DNA.
Kết quả thu được xác nhận rằng cây trồng quả thực đã rơi vào tình trạng stress, và có phản ứng giống như cách mà những cây Arabidopsis thông thường được trồng trong những môi trường khắc nghiệt khác, ví dụ như đất nhiều muối hoặc nhiễm kim loại nặng.
Các nhà khoa học còn phát hiện ra rằng chất lượng của đất mặt trăng không đồng nhất, khi mà một mẫu có kết quả tăng trưởng kém hơn so với hai mẫu còn lại.
Trong thời gian tới, nhóm dự định sử dụng cùng những mẫu đất mặt trăng đó để gieo nhiều hạt giống hơn, từ đó tìm ra được liệu những cây đợt đầu có gây ra hiệu ứng gì lên đất mặt trăng hay không - nói cách khác, họ muốn tìm hiểu liệu cây cối có thể bằng cách nào đó cải tạo được đất mặt trăng, để những thế hệ cây về sau có được môi trường phát triển ít khắc nghiệt hơn hay không.
Nghiên cứu này được thực hiện trong bối cảnh NASA đang đẩy mạnh chương trình Artemis nhằm đưa con người trở lại bề mặt mặt trăng lần đầu tiên kể từ sau các sứ mệnh Apollo 50 năm về trước; ngoài ra, Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ còn kỳ vọng sẽ có thể sớm thực hiện các sứ mệnh lâu dài lên Sao Hỏa.
"Nghiên cứu lần này là rất quan trọng đối với các mục tiêu lâu dài nhằm đưa con người lên khám phá vũ trụ, bởi chúng ta sẽ cần sử dụng các nguồn tài nguyên tìm thấy trên mặt trăng và Sao Hỏa, từ đó mới phát triển được các nguồn thức ăn cho các phi hành gia tương lai, những người sống và làm việc trong không gian sâu thẳm" - theo Giám đốc NASA Bill Nelson. "Nghiên cứu trồng cây mang tính nền tảng này còn là một ví dụ điển hình cho thấy NASA đang nỗ lực tạo ra những cải tiến nông nghiệp, từ đó giúp chúng ta hiểu được cách các loài thực vật có thể vượt qua những điều kiện khắc nghiệt ở những khu vực hiếm thức ăn ngay trên Trái đất."
Được biết, các phi hành gia trên Trạm Không gian Quốc tế (ISS) cũng đang thí nghiệm trồng các loài thực vật ăn được trong một vệ tinh có điều kiện sinh sống, và sau nhiều năm miệt mài nghiên cứu trong vũ trụ, họ cũng đã trồng được những cây với lá xanh mướt!
Tham khảo: DigitalTrends
https://genk.vn/cac-nha-khoa-hoc-lan-dau-trong-duoc-cay-tren-dat-mat-trang-20220514003925839.chn Lấy link