Theo FactSet, ngày 11/5, giá trị vốn hóa của Saudi Aramco đạt gần 2,43 nghìn tỷ USD. Trong khi đó, do giá cổ phiếu giảm hơn 5% trong phiên giao dịch cùng ngày, vốn hóa Apple rơi xuống còn 2,37 nghìn tỷ USD.
Giá và cổ phiếu năng lượng đều tăng trong bối cảnh các nhà đầu tư bán tháo tài sản trong các ngành khác, bao gồm công nghệ, trước nỗi lo môi trường kinh tế biến động. Cổ phiếu Apple đã giảm gần 20% từ khi đạt đỉnh 182,94 USD ngày 4/1.
Sự đổi ngôi của Apple và Saudi Aramco mang tính biểu tượng nhiều hơn, song nó cho thấy thị trường đang dịch chuyển ra sao khi kinh tế toàn cầu gặp phải các thách thức như lãi suất tăng, lạm phát và vấn đề chuỗi cung ứng.
Cổ phiếu Saudi Aramco tăng hơn 27% trong năm 2022. Gã khổng lồ dầu mỏ ghi nhận lợi nhuận năm 2021 tăng gấp đôi do giá dầu tăng mạnh. Apple đoạt ngôi công ty vốn hóa lớn nhất thế giới của chính công ty này vào tháng 7/2020 nhờ kết quả kinh doanh mạnh mẽ. Ngày 31/7/2020, cổ phiếu Apple tăng 10,47%, nâng giá trị vốn hóa lên 1,87 nghìn tỷ USD, cao hơn 1,76 nghìn tỷ USD của Saudi Aramco.
Thị trường chứng khoán Mỹ đang trải qua những ngày "đỏ lửa" và “tội đồ” chính là các hãng điện toán đám mây, thương mại điện tử, công nghệ gia đình. Hàng trăm tỷ USD vốn hóa đã “bốc hơi”, khiến cho chỉ số Nasdaq Composite có đợt rung lắc mạnh nhất kể từ tháng 6/2020.
Dù doanh thu quý vừa qua của Apple tiếp tục khả quan, CEO Tim Cook cảnh báo thiếu hụt nguồn cung và lockdown tại Trung Quốc sẽ khiến công ty thiệt hại khoảng 8 tỷ USD trong quý này. Tuy vậy, một số nhà phân tích cũng đặt câu hỏi về thước đo giữa hai công ty nếu xét tới việc Apple là doanh nghiệp đại chúng, thành lập từ một nhà kho tại Mỹ năm 1976, còn Saudi Aramco được chính phủ hậu thuẫn và chỉ có một lượng nhỏ cổ phiếu lưu thông trên thị trường.
Lấy link