Từ bấy lâu, thuyết Big Bang đã được chấp nhận rộng rãi như một cách giải thích về sự khởi đầu của toàn vũ trụ. Theo thuyết Big Bang, vũ trụ bắt nguồn từ một trạng thái nhỏ, nóng và chứa lượng vật chất dày đặc. Mọi thứ chỉ được bung ra sau khi xuất hiện một vụ nổ lớn.
Lý giải thường gặp đó là không gian đang tự giãn nở sau vụ nổ Big Bang, khiến các thiên hà lùi ra xa lẫn nhau, giống như các điểm trên một quả bóng thổi phồng. Kể từ thời điểm bắt đầu, vũ trụ đang không ngừng giãn nở với tốc độ đáng kể.
Tuy vậy, sau gần 13,8 tỷ năm, vũ trụ hiện đang dần bước vào quá trình "thoái trào" khi có dấu hiệu bế tắc và sẽ sớm co lại trong khoảng 65 triệu năm tới.
Các nhà khoa học đã sử dụng những quan sát trước đây về sự giãn nở của vũ trụ để cố gắng mô hình hóa năng lượng tối (Dark Energy), một lực bí ẩn chiếm khoảng 70% vũ trụ. Lực đẩy của loại năng lượng này khiến vũ trụ giãn nở nhanh hơn bao giờ hết, nhưng các chuyên gia cho rằng ảnh hưởng của nó hiện đang có dấu hiệu suy yếu.
Theo mô hình tính toán, sự gia tốc của vũ trụ có thể nhanh chóng kết thúc trong vòng 65 triệu năm tới. Sau đó, trong vòng 100 triệu năm, vũ trụ có thể ngừng giãn nở hoàn toàn và bắt đầu co lại.
Năng lượng tối là một thực thể vô hình bí ẩn được nhiều nhà nghiên cứu tin rằng nó hoạt động trái ngược với lực hấp dẫn bằng cách đẩy các vật thể nặng nhất của vũ trụ ra xa nhau thay vì kéo chúng lại gần nhau.
Điều đó có nghĩa khi năng lượng tối suy yếu thì lực hấp dẫn sẽ là lực chi phối mạnh hơn tới vũ trụ, dẫn tới việc các ngôi sao, thiên hà và hành tinh được kéo lại gần nhau dẫn tới việc va chạm. Theo diễn tiến suy luận này, vũ trụ sẽ đứng trước một viễn cảnh tự hủy diệt
Các chuyên gia cho biết sự thu nhỏ của vũ trụ sẽ diễn ra chậm tới mức nếu con người vẫn còn sống trên Trái đất vào thời điểm đó, họ thậm chí sẽ không nhận thấy sự thay đổi. Nhưng thực tế sau vài tỷ năm nữa, vũ trụ sẽ đạt kích thước chỉ bằng một nửa so với ngày nay.
Các nhà nghiên cứu tin rằng chu kỳ co giãn của vũ trụ sẽ tạo ra một quá trình lặp lại của sự hủy diệt và tái sinh. Vũ trụ sẽ co lại cho đến khi nó tự sụp đổ trước khi tái diễn một vụ nổ Big Bang khác, khai sinh ra một vũ trụ mới.
Đây là một trong số các lý thuyết gây tranh cãi về kết cục của vũ trụ bên cạnh thuyết Big Rip, khi các thiên hà bị xé nát, hay thuyết Big Freeze, cho thấy vật chất sẽ tụ lại với nhau nhưng phân rã thành bức xạ khi vũ trụ giãn nở.
https://genk.vn/sau-gan-138-ti-nam-gian-no-khong-ngung-vu-tru-chuan-bi-co-lai-2022050619583289.chn Lấy link