Trong 5 ngày, phóng viên Michael McDonald của hãng tin Bloomberg đã có cuộc thử nghiệm thanh toán hóa đơn của mình bằng Bitcoin. El Salvador chính là "phòng thí nghiệm lý tưởng".
Vào tháng 9 năm ngoái, El Salvador trở thành quốc gia đầu tiên hợp pháp hóa Bitcoin. Điều đó có nghĩa là các doanh nghiệp nên chấp nhận chúng như một hình thức thanh toán.
Thất vọng ngay từ khi đặt chân xuống sân bay
Tại sân bay quốc tế El Salvador, biển hiệu "Chivo", tiếng lóng có nghĩa là "tuyệt vời", xuất hiện như báo hiệu rằng Bitcoin được chào đón tại đây, cùng với đồng đô la và thẻ tín dụng.
Tại đây, tiếp viên sân bay đã đợi sẵn để thu 12 USD phí nhập cảnh. Michael cầm chiếc iPhone chứa ví Bitcoin của mình sẵn sàng để thanh toán. Nhưng sau đó nhân viên đã khiến ông hụt hẫng. Cô nói: "Tôi xin lỗi, thưa ông. Chúng tôi chỉ nhận tiền mặt hoặc thẻ tín dụng".
Cuối cùng thì Chivo, hệ thống thanh toán Bitcoin của El Salvador, không thú vị như Michael nghĩ. Máy POS (point-of-sale) không hoạt động do một số lỗi đường truyền internet. Do đó, Michael dùng thẻ Visa của mình để thanh toán. Điều này khiến Michael thất vọng vì ông đã chuẩn bị nghiêm túc cho chuyến đi.
Bitcoin và các loại tiền điện tử khác tất nhiên tồn tại đơn thuần dưới dạng các dòng mã được ghi trên blockchain. Nhưng ông sẽ không thể sử dụng chúng mà không có phương tiện kỹ thuật số như một chiếc ví mang tiền theo.
Michael đã nạp tiền vào ví Satoshi, loại ví được quảng cáo là "ví Bitcoin đơn giản nhất thế giới". Ngoài ra, ông cũng tải một số loại ví khác như của Coinbase Global, Muun Wallet và Strike. Ông đã bỏ vào ví 0,027 Bitcoin, tương đương với 1.000 USD.
Với tư cách là phóng viên của hãng tin Bloomberg tại Mỹ Latinh, Michael đã đến làm việc và vui chơi khám phá ở El Salvador trong hơn một thập kỷ. Từ năm 2001, quốc gia này sử dụng đô la Mỹ làm đơn vị tiền tệ của mình. Giờ đây, Tổng thống Nayib Bukele thúc đẩy tiền điện tử để thu hút du lịch và đầu tư.
Nhưng quốc gia Mỹ Latinh với 6,5 triệu dân có vẻ là một lựa chọn kỳ quặc để thử nghiệm tiền điện tử. El Salvador từ lâu được biết đến là một quốc gia nghèo đói và trải qua nhiều bạo lực.
Chật vật để thanh toán bằng Bitcoin
Trở lại với hành trình của Michael, ông ra ngoài sân bay và tiếp cận với một số tài xế taxi. Michael cất lời hỏi: "Anh sẽ nhận Bitcoin của tôi chứ?". Hai tài xế đứng đó xua tay và bỏ đi. Những người còn lại thì phớt lờ ông và tiếp tục câu chuyện của họ.
Cuối cùng, ông được một tài xế lái chiếc Toyota màu trắng chở về khách sạn với giá 30 USD và chấp nhận trả bằng tiền điện tử. Tài xế cho biết: "Hầu hết mọi người thích tiền mặt và gần như không ai hỏi họ liệu có thể thanh toán bằng Bitcoin hay không. Năm ngoái thì có nhiều người hưởng ứng nhiệt tình, nhưng giờ thì chẳng còn là bao". Trong 1 giờ đồng hồ từ sân bay đến khách sạn, số Bitcoin trong ví Michael đã giảm 2% giá trị.
Đến khách sạn, Michael gặp lễ tân Wendy Lopez. Cô giúp ông thanh toán tại một máy POS của Chivo. Sau khi nhập số tiền phòng cho 2 đêm, một mã QR hình vuông xuất hiện và Michael dùng ví trong điện thoại để quét mã. Màn hình hiển thị thanh toán đã được gửi đi, nhưng thiết bị không in hóa đơn. Lopez giải thích rằng giao dịch thường mất 24 giờ để hoàn tất.
Hôm sau, Michael dùng bữa trưa với đồng nghiệp và thanh toán 60 USD bằng Bitcoin. Natalia Avilés, quản lý nhà hàng cho biết: "Rất nhiều người đến nhà hàng thanh toán bằng Bitcoin và thật vui khi thấy họ hào hứng với điều đó". Nhưng cũng giống như khi thanh toán tiền phòng, Michael không nhận được hóa đơn. Cuối cùng, Michael thanh toán bằng thẻ Visa của mình.
Phóng viên Michael McDonald thanh toán tại nhà hàng Brutto ở San Salvador. Ảnh: Bloomberg
Rút tiền từ ATM Bitcoin khó như trúng độc đắc
Hành trình gian nan của Michael chưa dừng lại ở đó. Ông bắt đầu tìm các máy ATM Bitcoin để đổi tiền điện tử thành tiền mặt. Ông đi bộ đến một máy ATM ở quảng trường Plaza Salvador del Mundo, nhưng nhân viên báo là đã hết tiền. Ông di chuyển đến trung tâm mua sắm Multiplaza và tìm một cây ATM khác, nhưng nhân viên tiếp tục báo không có tiền mặt.
Cuối cùng, Michael nghe nhân viên mách nước, tìm đến hầm để xe của trung tâm mua sắm. Ông quét mã QR và chờ đợi. Nhân viên phục vụ cho biết giao dịch có thể mất hơn một giờ. Nghe thấy vậy, một số người đợi phía sau đã bỏ đi. Khi màn hình thông báo kết thúc giao dịch, Michael rút được 2 tờ 20 USD mà mừng như thể trúng giải độc đắc.
Vào buổi sáng thứ ba của chuyến đi, Michael đến một khu chợ trung tâm thành phố San Salvador. Ông gặp một người thợ sửa mắt kính 76 tuổi tên Julio Rosales. Julio cho biết ông có số Bitcoin trị giá 30 USD được chính phủ cấp miễn phí trong đợt thử nghiệm.
Ông Julio không chấp nhận dùng Bitcoin để thanh toán cho tiền sửa chữa kính. Ông nói rằng mọi người đã mất hứng vì giá Bitcoin giảm. Người dân cũng không biết cách sử dụng chúng và rất ít doanh nghiệp thanh toán bằng Bitcoin. Sau bữa trưa, Michael McDonald đến quán bi-a có tên Club La Dalia. Ông trả 2,2 USD tiền nước bằng Bitcoin và giao dịch hoàn tất ngay lập tức.
Michael tại một cửa hàng ở Antiguo Cuscatlán. Ảnh: Bloomberg
Sau đó, Michael nhận được tin nhắn từ quản lý nhà hàng rằng ông đã trả gấp 3 lần cho bữa trưa, hai lần bằng Bitcoin và 1 lần bằng thẻ Visa. Tổng số tiền lên đến 180 USD cho một bữa ăn. Quản lý nhà hàng đang cố gắng để hoàn tiền lại cho ông.
Chiều hôm đó, Michael đến khu vực núi lửa Conchagua, ngôi nhà tương lai của Thành phố Bitcoin. Ông gặp một người bán đậu phộng và hỏi: "Anh có nhận Bitcoin không?". Người đàn ông đáp: "Có, tôi có".
Michael đã quét mã QR trên điện thoại của người đàn ông. Vài giây sau, 0,00018836 Bitcoin từ ví của Michael đã được chuyển sang ví của người bán hàng. Người này cho biết anh đã kiếm thêm được 300 USD bằng cách giữ tiền điện tử và bán khi chúng tăng giá. Số tiền đó gần bằng thu nhập bình quân một tháng của người dân El Salvador.
Phóng viên Michael (bên trái) thanh toán bằng Bitcoin cho người đàn ông bán đậu phộng. Ảnh: Bloomberg
Vị phóng viên đến El Mirador de Conchagua, một nhà hàng thịt nướng nép mình dưới chân ngọn núi lửa Conchagua. Chủ quán María Orbelina chia sẻ: "Bitcoin không có tương lai ở đây. Tôi muốn đô la. Nếu anh được trả 25 USD bằng Bitcoin, ngày mai nó có thể chỉ còn có 20 USD. Tờ đô la thì chưa bao giờ làm tôi thất vọng".
Michael còn lái xe đến một ngôi làng nhỏ cách đó 24km. Ông gặp một cặp vợ chồng sống ở đó. Họ cho biết chính phủ đã đến thẩm định ngôi nhà của họ, vì đây có thể là một phần khu sân bay của Thành phố Bitcoin. Họ không muốn rời đi và cũng không tán thành tiền điện tử. Người vợ nói: "Tôi không hiểu bất kỳ điều gì. Tôi thậm chí còn không biết đọc".
Ví Bitcoin trên điện thoại của người đàn ông bán đậu phộng và hạt điều. Ảnh: Bloomberg
Kết thúc chuyến đi "không như mơ"
Kết thúc chuyến đi, Michael tiếp tục gặp rắc rối với việc thanh toán khi đơn vị cho thuê xe chỉ nhận thanh toán qua thẻ tín dụng. Cây xăng cũng không ngoại lệ vì hệ thống Chivo của trạm xăng không hoạt động.
Tổng kết lại chuyến đi 5 ngày của phóng viên Michael McDonald, chỉ 10 trong số gần 50 doanh nghiệp chấp nhận sử dụng Bitcoin. Và chỉ có 4 giao dịch là hoạt động liền mạch. Theo cuộc khảo sát của Phòng Thương mại với 337 doanh nghiệp, chỉ 14% trong số đó giao dịch bằng Bitcoin từ tháng 9/2021.
Cuối cùng trên đường ra sân bay trở về nhà, Michael nhìn thấy ánh sáng xanh quen thuộc từ máy POS của Chivo. Ông quyết định sẽ rút 40 USD từ ví điện tử của mình. Nhưng sau khi quét mã, Bitcoin đã trừ, nhưng chiếc máy không trả lại tiền mặt cho Michael. Ông đành ngậm ngùi kết thúc chuyến đi và chấp nhận nhìn 40 USD của mình không cánh mà bay.
Tiền mã hóa (cryptocurrency), hay thường được gọi là "tiền ảo" chưa được pháp luật công nhận tại Việt Nam.
GameFi (viết tắt của Game + Finance) là thuật ngữ chỉ các trò chơi được xây dựng trên blockchain kết hợp yếu tố tài chính. Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và không có giá trị khuyến nghị đầu tư.
https://cafef.vn/trai-nghiem-thanh-toan-moi-thu-bang-bitcoin-phong-vien-sang-mat-voi-su-that-tran-trui-mat-tien-doi-lay-bai-hoc-nho-doi-20220411180305678.chn Lấy link