Trong vài tháng gần đây, các nhà mạng Mỹ đã bắt đầu áp dụng chính sách tăng lương tối thiểu cho nhân viên. Verizon và Charter Communications đều đã đồng ý trả cho nhân viên ít nhất 20 USD/giờ làm việc. Trong khi đó, dù không đưa ra con số cụ thể, nhưng 1 số báo cáo đầu tuần vừa qua chỉ ra rằng AT&T đã chấp nhận mức lương trung bình 26 USD/giờ cho các nhân viên ở bộ phận chăm sóc khách hàng.
Tuy nhiên, John Stankey, CEO của AT&T lại tỏ ra không hề hài lòng với tình trạng này. “Tôi không thích việc lương của nhân viên tăng quá nhanh như vậy”, ông cho biết, “Lạm phát tiền công đang tăng ở mức 7% và tạo áp lực không hề nhỏ trên nhiều phân khúc hàng hóa và dịch vụ. Và chúng tôi cũng không ngoại lệ”.
Stankey hoàn toàn có cơ sở để lo ngại về tình trạng lạm phát tiền công hiện nay. Trớ trêu thay, lương vị CEO lại tăng đến hơn 18%/năm, từ 21 triệu USD trong năm 2020 nay đã lên mức 24,8 triệu USD trong năm 2022. Trong đó bao gồm 2,4 triệu USD lương cứng, 6,9 triệu USD lương ưu đãi, và 13,4 triệu USD tiền thưởng cổ phiếu.
Nhìn rộng ra 1 chút, ban lãnh đạo của AT&T cũng nhận được mức tăng lương khá hậu hĩnh. Pascal Desroches, CFO của công ty kể từ tháng 4/2021, nhận được khoản bồi thường trị giá 11,7 triệu USD. Jeff McElfresh, CEO bộ phận truyền thông từ tháng 10/2019, hiện đang hưởng mức lương 12,3 triệu USD/năm, tăng đến 43% so với năm 2020 (8,6 triệu USD). Randall Stephenson, cựu Chủ tịch kiêm CEO của AT&T (nghỉ hưu vào tháng 1/2021) được trả 16,3 triệu USD. Và John Stephens, cựu CFO (nghỉ hưu vào tháng 4/2021) nhận được 4,1 triệu USD.
Tất nhiên, trong công ty cần phải có những cấp bậc khác nhau, với vai trò, công việc và thu nhập cũng khác nhau. Tuy nhiên, khi so với ban lãnh đạo thì mức lương và tốc độ tăng lương của các nhân viên AT&T thực sự vẫn chưa là gì cả. Với thu nhập trung bình 26 USD/giờ, 40 giờ làm việc/tuần trong vòng 1 năm, họ sẽ chỉ nhận được hơn 54.000 USD/năm mà thôi.
Stankey chia sẻ thêm: “Khi nhìn vào các bộ phận khác của chúng tôi, bạn sẽ thấy quỹ tiền lương là 1 phần trong chi phí triển khai các cơ sở hạ tầng có tuổi thọ cao, như mạng cáp quang chẳng hạn. Chúng được vốn hóa và sử dụng trong suốt vòng đời của một sản phẩm, thường kéo dài trong rất nhiều năm. Vì vậy, mặc dù chúng tôi đương nhiên là muốn trả ít tiền lương hơn, nhưng có tăng lên 1 chút như vậy cũng không sao, bởi những khoản chi phí đó có thể được thu hồi trong suốt thời gian hoạt động của sản phẩm”.
Vấn đề mà CEO của AT&T muốn nói đến ở đây chính là việc nếu tình trạng lạm phát không sớm được giải quyết, các doanh nghiệp tại Mỹ sẽ sớm buộc phải thực hiện các kế hoạch để đối phó với việc chi phí đầu vào tăng cao. Stankey cho biết không có ngành nào, kể cả lĩnh vực không dây, miễn nhiễm với vấn đề này. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng lịch sử của AT&T cho thấy họ vẫn sẽ đạt được nhiều thành công kể cả khi buộc phải tốn nhiều tiền hơn.
“Chúng tôi sẽ áp dụng chính sách tăng lương, tăng chi phí đầu tư 1 cách thông minh và sáng suốt”, Stankey cho biết, “Tuy nhiên, khi điều hành cả 1 doanh nghiệp mà lại không ngồi lại và đánh giá các phương án chuyển giá, tìm cách để thành công, rõ ràng là tôi đã không làm tốt nhiệm vụ của mình mất rồi”.
Theo fiercetelecom
https://genk.vn/ceo-nha-mang-my-khong-hai-long-vi-luong-nhan-vien-tang-qua-nhanh-nhung-luong-cua-ban-than-lai-tang-them-hon-18-nam-20220423235019919.chn Lấy link