Việc Elon Musk mua lại Twitter có thể gây ra tác dụng phụ không mong muốn đối với vị tỷ phú giàu nhất thế giới: thêm một công ty lớn khác vào lịch trình quản lý dày đặc của ông.
Giám đốc điều hành Tesla và SpaceX đã đề nghị mua mọi cổ phiếu Twitter mà ông chưa sở hữu – tương ứng 90,8% cổ phần của công ty - trong một thỏa thuận trị giá khoảng 43 tỷ USD, theo một hồ sơ pháp lý được tiết lộ vào hôm 14/4. Thỏa thuận này sẽ bổ sung một trong những công ty lớn nhất thế giới khác vào danh mục sở hữu của Musk. Hiện Tesla có vốn hóa hơn 1.000 tỷ USD trong khi SpaceX được định giá hơn 100 tỷ USD. Musk cũng sở hữu hai dự án khởi nghiệp nhỏ hơn là Neuralink và The Boring Company.
Ngay cả khi Musk mua thành công Twitter và từ chối vị trí CEO, ông vẫn có thể muốn có vai trò ảnh hưởng đến hoạt động vận hành công ty – điều này có nghĩa quỹ thời gian của tỷ phú giàu nhất thế giới bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Trên thực tế Musk từng điều hành một lúc 3 doanh nghiệp tuy nhiên 3 công ty thuộc hàng lớn nhất thế giới lại là một chuyện khác.
Điều hành cùng lúc 3 công ty lớn sẽ là thử thách cho Elon Musk. Ảnh: Reuters
|
Trên thế giới cũng đã có CEO quản lý một lúc nhiều doanh nghiệp. Nổi bật gần đây là Carlos Ghosn, cựu CEO của Nissan và Renault, đồng thời là Cựu chủ tịch của AvtoVaz và Mitsubishi.
Ghosn đã nắm giữ các vai trò hàng đầu tại cả 4 công ty trong một khoảng thời gian và điều hành 3 công ty trong số đó vào năm 2018 khi ông bị bắt ở Nhật Bản vì các cáo buộc về hành vi gian lận tài chính. Ông Ghosn sau đó đã chạy trốn sang Lebanon, quốc gia không có hiệp ước dẫn độ với Nhật Bản, và hiện là tội phạm bị truy nã quốc tế.
Vào năm 2014, Ghosn nói với Chủ tịch LinkedIn và biên tập viên kiêm giám đốc Daniel Roth trong một cuộc phỏng vấn rằng chìa khóa giúp ông có thể điều hành nhiều công ty cùng lúc là không đảm nhiệm nhiều nhiệm vụ. Vào thời điểm đó, ông cho biết, lịch trình làm việc của bản thân đã được sắp xếp trước hơn một năm. Và khi ông ở quốc gia nào ông sẽ tập trung sự chú ý vào công ty ở quốc gia đó.
“Tôi không pha trộn nhiều trách nhiệm khác nhau, bởi vì tôi muốn đảm bảo các bộ phận phụ trách về công việc khác nhau sẽ cảm thấy có trách nhiệm và không có sự nhầm lẫn giữa các công ty khác nhau", Ghosn cho biết.
Tuy nhiên, Musk có thể sẽ có cách ứng xử khác. Trong một cuộc thảo luận vào năm 2018, ông cho biết, bản thân đã phân bổ thời gian của mình một cách hiệu quả để quản lý các dự án kinh doanh khác nhau. Và phương án của Musk là tuyển dụng một đội ngũ nhân sự giỏi và phân bổ trách nhiệm một cách thích hợp cho họ. Theo cách đó, ông nói, “hầu như tất cả thời gian của tôi đều dành cho kỹ thuật và thiết kế".
Câu chuyện phân bổ thời gian để điều hành doanh nghiệp cũng là một vấn đề đối với Twitter: Người đồng sáng lập Jack Dorsey từng là Giám đốc điều hành cho cả Twitter và công ty thanh toán Square, từ tháng 10/2015 đến tháng 11/2021.
Trớ trêu thay, khi Dorsey lần đầu đảm nhận cả hai vai trò, Musk đã khuyên cựu CEO của Twitter không nên thực hiện điều này: “Tôi khuyên ông không nên điều hành hai công ty một lúc", Musk nói tại Hội nghị thượng đỉnh Vanity Fair 2015. “Điều này sẽ làm giảm sự tự do của ông rất nhiều”.
Tin tức về việc mua lại cổ phần của Musk được công khai sau khi ông tiết lộ sở hữu 9,2% mạng xã hội này. Một ngày sau đó, Twitter đã đề nghị Musk vào một vị trí trong hội đồng quản trị của họ, giới hạn số cổ phiếu Musk có thể sở hữu tại Twitter không vượt quá 14,9% cổ phiếu đang lưu hành của công ty. Và 5 ngày sau, công ty cho biết Musk đã từ chối vị trí này.
Trong hồ sơ được tiết lộ hôm 14/4, Musk – với hơn 81 triệu người theo dõi trên Twitter - cho biết động lực của ông khi mua công ty là để mở ra “tiềm năng phi thường” của Twitter, hướng tới mục tiêu trở thành “nền tảng cho tự do ngôn luận trên toàn cầu”.
Chiều ngày 14/4, vài giờ sau khi Musk công bố mức giá sẵn sàng bỏ ra để thâu tóm Twitter, ông nói tại hội nghị TED 2022 ở Vancouver rằng “không chắc” liệu nỗ lực của mình có thành công hay không. Ông nhấn mạnh bản thân đã có một kế hoạch dự phòng tuy nhiên không tiết lộ chi tiết.
Lấy link