Mel Martin đã dùng qua khá nhiều máy Mac trong suốt những năm qua. Từ những chiếc Mac PowerPC cổ điển với hiệu quá ổn so với máy tính dùng chip Intel cùng thời (nhưng tản nhiệt khi tải nặng chưa tốt), đến những chiếc Mac chip Intel vào giữa thập niên 2000 - cụ thể là một chiếc Mac Pro mà anh nói rằng hoạt động rất tốt nhờ khả năng nâng cấp ấn tượng. Nhưng bởi cỗ máy này không còn được hỗ trợ cập nhật lên các phiên bản macOS mới nhất, Martin đành miễn cưỡng mua một chiếc iMac vào năm 2019 với chip Intel Core i9 8 nhân, xung nhịp 3.6GHz, và RAM 8GB. Giống nhiều máy tính Apple trong những năm trở lại đây, iMac 2019 không có khả năng mở rộng tốt cho lắm, trừ nâng cấp bộ nhớ. Dù với công việc của một nhiếp ảnh gia, điều đó cũng không quan trọng lắm, nhưng nó vẫn khiến Martin chưa hoàn toàn "ưng bụng".
Vấn đề ở đây là Apple có một lỗ hổng khá lớn giữa các dòng sản phẩm của hãng. Sau khi loại bỏ thiết kế thùng rác của Mac Pro, Apple thay thế nó bằng một mẫu Mac Pro khác dùng chip Intel vào năm 2019, lần này trông như một cái bào phô-mai khổng lồ. Martin cho biết vì số tiền bỏ ra để lên đời là quá lớn, anh chấp nhận dùng tiếp iMac, chờ cơ hội tốt hơn.
Tình hình bắt đầu khả quan với loạt laptop MacBook Pro dùng chip Apple Silicon. Năm ngoái, Martin mua mẫu 16-inch với chip M1 Max và tỏ ra cực kỳ hài lòng với quyết định của mình. Anh vẫn trông chờ một mẫu desktop Mac dùng con chip này, ví dụ như iMac 27-inch chẳng hạn, nhưng trên thực tế, thứ Apple tung ra còn ngon lành hơn nhiều: Mac Studio. Máy có hai phiên bản, rất nhanh, và rất rất nhanh. Martin chọn phiên bản rất nhanh - bởi hầu hết các reviewer đều nhận định rằng M1 Max là quá đủ cho một nhiếp ảnh gia chuyên về phong cảnh rồi. Một động lực khác thôi thúc anh mua máy là bởi không thể chấp nhận được chuyện chiếc laptop đang dùng lại...nhanh hơn desktop, mà anh thì thực sự muốn làm việc trên màn hình cỡ lớn!
Mở hầu bao!
Mac Studio hiển nhiên là một cỗ máy đắt đỏ. Lựa chọn của Martin là Studio với RAM 64GB, đồng thời bỏ thêm 200 USD nữa để lấy CPU 10 nhân với GPU 32 nhân, và neural engine 16 nhân. Anh cũng nâng ổ cứng lên 2TB cho bằng với chiếc iMac sắp tiễn đi.
Như vậy, tổng cộng chi phí Martin phải bỏ ra là 4.798 USD cả thuế, và đã bao gồm màn hình Studio Display!
Lắp đặt
Hai chiếc hộp hoành tráng được Apple ship đến ngay trong ngày mở bán, và Martin khá ấn tượng với thiết kế hộp khi có thể mở dễ dàng mà không cần thêm bất kỳ dụng cụ nào (như dao rọc giấy) - một trải nghiệm "rất Apple", anh cho biết.
Theo đúng phong cách Apple, mặt sau của hộp có hình mặt sau của các sản phẩm. Điều này có lẽ ít người biết đến.
Martin cho biết đã bán chiếc iMac, nhưng trước đó đã tạo sẵn 2 bản backup Time Machine. Khi cắm Mac Studio và Studio Display, chiếc Mac Studio bắt đầu khởi động và trải qua bước cài đặt bình thường, hỏi người dùng xem có bản backup nào không (Martin nói rằng anh chưa bao giờ thấy một chiếc Mac nào khởi động nhanh như thế này, chỉ chưa đầy 5s là đã vào hệ điều hành rồi). Anh tự hỏi liệu quá trình khởi động có chậm hơn chút nào không nếu hệ thống đã được cài đặt đầy đủ các phần mềm cần thiết, và câu trả lời là không - Mac Studio thực sự quá nhanh. Bản backup Time Machine mất khoảng 1,5 tiếng để hoàn tất, cũng nhanh hơn bình thường.
Sau nhiều lần đăng nhập vào iCloud, Martin đã sẵn sàng để chỉnh sửa thử vài bức ảnh. Luồng công việc thông thường của anh là từ DXO PureRAW sang Photoshop, cho ảnh chạy qua Topaz Sharpen AI, sao đó chuyển vào một số trình biên tập chuyên dụng khác như Luminar AI khi cần thiết.
DXO PureRAW chưa phải là ứng dụng native cho M1, nhưng tốc độ hoạt động không tồi, có vẻ nhanh hơn khoảng 25% trên Mac Studio. Photoshop ban đầu chạy khá chán, cho đến khi Martin phát hiện ra anh cài nhầm bản dành cho chip Intel. Sau khi gỡ bỏ và cài lại phiên bản dành cho Apple Silicon, chuyện đâu đã vào đấy, rất nhanh, khởi động ứng dụng hoàn chỉnh chỉ mất 2 giây. Biên tập ảnh trong ứng dụng cũng nhanh nữa, các hiệu ứng được áp dụng gần như trong thời gian thực, thay vì có độ trễ khi render như trước. Martin chủ yếu sử dụng Lightroom để ghép ảnh panorama, mà theo anh là cũng quá nhanh khi chạy trên chip M1. Một tấm panorama gồm 9 ảnh ghép lại chỉ mất 6 giây để hiện ra bản xem trước (thông thường mất 20 - 30 giây), và ảnh hoàn chỉnh xuất hiện sau khoảng 1 phút.
Về phần Adobe Bridge, có vẻ nó chưa được cập nhật cho Apple Silicon. Dẫu vậy, nó vẫn nhanh thấy rõ, và tốc độ tạo catalog trên một ổ cứng mạng cũng nhanh hơn bình thường.
Hai ứng dụng Luminar Neo và Luminar AI từ hãng Skylum được thiết kế riêng cho Apple Silicon, và chúng đều nhanh hơn so với khi chạy trên iMac trước đó; có thể không nhanh như các sản phẩm của Adobe, nhưng thời gian render đã được cải thiện khoảng 10 - 15%. Có lẽ đây là kết quả của mã nguồn mới, lượng RAM khủng trên Mac Studio, và tốc độ của vi xử lý. Một khi mã nguồn của Luminar được tinh chỉnh thêm nữa, nó có thể còn nhanh hơn.
Ứng dụng Topaz Sharpen AI thì nhanh điên cuồng. Trên máy Mac cũ, để hiện ra ảnh xem trước phải mất 30 - 45 giây. Bây giờ chỉ còn khoảng 5 giây mà thôi. Render ra sản phẩm cuối chỉ mất khoảng 15 giây so với 1 - 2 phút trước đây!
Apple Studio Display
Martin nói rằng thật tuyệt khi anh đã quyết định mua thêm màn hình này. Nó không có những tính năng đặc sắc như những màn hình mới hơn, như HDR hay local dimming, nhưng vẫn đẹp. Màn hình này có vẻ giống như màn hình của chiếc iMac 27-inch trước đây. Loa tích hợp nghe tốt, không hay như cặp Audio Engine A2+ anh đang để trên bàn (!?) Nhưng nhìn chung, loa của Studio Display có chất lượng ổn xét việc nó được đặt trong một màn hình khá mỏng; Martin đánh giá đây là loa tích hợp vào màn hình tốt nhất anh từng nghe.
Webcam tích hợp thì tệ, như nhiều bài báo đã đưa tin. Chất lượng các cuộc gọi FaceTime vì lý do nào đó thua kém nhiều chất lượng trên iPhone hoặc iPad. Video trông như một cuốn băng VHS cũ vậy. Độ phân giải kém, làm khuôn mặt bạn trông bị bết. Apple cho biết họ sẽ cải thiện vấn đề này thông qua một bản cập nhật firmware.
Tạm kết
Mac Studio và Studio Display có giúp bạn trở thành một nhiếp ảnh gia giỏi hơn hay không? Chắc chắn là không rồi. Nhưng theo Martin, tốc độ cực khủng của nó khiến công việc trở nên dễ dàng và thoải mái, khuyến khích anh thử những kỹ thuật cũng như công nghệ xử lý mới. Quá trình chỉnh sửa ảnh nhanh hơn, và những chi tiết như khe thẻ SD ở mặt trước thực sự là một điểm cộng, cùng với số lượng cổng khá đầy đủ ở mặt sau.
Trải nghiệm tổng thể của Martin là hài lòng. Apple rõ ràng nên tung ra sản phẩm này sớm hơn. Với những nhiếp ảnh gia bận rộng, đây là thứ phần cứng có thể đáp ứng tốt luồng công việc gấp gáp của họ. Có thể bạn cho rằng sức mạnh của Mac Studio là có phần dư thừa đối với một nhiếp ảnh gia, và bản thân nó cũng không nhanh hơn laptop M1 Max là bao, nhưng màn hình lớn hơn cùng cổng Thunderbolt, USB-A, USB-C... và hàng loạt cổng khác trên Studio Display nữa thực sự là món hời không thể chối từ. Một lần nữa đừng quên khe thẻ SD ở mặt trước - các nhiếp ảnh gia chắc chắn cần nó lắm!
(Một gợi ý nhỏ là, nếu bạn thường xuyên biên tập video, thì hãy chọn bản Ultra để phục vụ công việc hiệu quả hơn).
Tham khảo: FStoppers
https://genk.vn/mac-studio-m1-max-duoi-goc-nhin-cua-mot-nhiep-anh-gia-20220329143442823.chn Lấy link