Apple thiết kế cụm 3 camera hình tam giác, hay còn được gọi là "tổ ong", từ thế hệ iPhone 11 Pro Max. Cách sắp xếp này đã trở thành đặc trưng, giúp người dùng nhận ra ngay đây là một chiếc iPhone khi nhìn camera.
Tuy nhiên, theo tác giả Martin Filipov của PhoneArena, việc sắp xếp 3 camera thành hình tam giác còn có tác dụng khác là giúp cho khoảng cách giữa 3 camera bằng nhau, nhờ đó giảm méo hình khi chuyển đổi giữa những ống kính, tăng trải nghiệm của người dùng.
|
Cụm camera Pixel 6 Pro (trái) xếp theo chiều ngang, trong khi iPhone 13 Pro (phải) là tam giác cân, giúp khoảng cách của các ống kính là bằng nhau. Ảnh: PhoneArena.
|
Các mẫu điện thoại cao cấp hiện nay thường được trang bị từ 3-4 ống kính, với các tiêu cự khác nhau. Khi người dùng chuyển đổi mức phóng đại trong app chụp ảnh, máy sẽ dùng phần mềm để phóng to, trước khi chạm đến mức của ống kính có tiêu cự lớn hơn.
Lúc thực hiện thao tác này, người dùng có thể đã quen với một khoảnh khắc bị "khựng" hay giật hình, khi smartphone chuyển từ zoom phần mềm sang quang học, cũng là chuyển đổi giữa 2 camera. Theo Filipov, đây là chuyện dĩ nhiên, bởi các camera được đặt ở những vị trí khác nhau, và khoảng cách dù rất nhỏ sẽ khiến hình ảnh có độ lệch nhất định.
Với cách thiết kế tam giác cân như cụm camera iPhone, khoảng cách giữa 3 camera là như nhau. Nhờ vậy, thao tác chuyển giữa các mức phóng đại cũng mượt mà hơn, không có cảm giác khung hình bị lệch đi quá nhiều.
|
iPhone 13 Pro có hiệu ứng chuyển giữa các mức phóng đại mượt mà, hình ảnh không bị giật khung. Ảnh: PhoneArena.
|
Filipov cũng minh họa bằng chiếc Pixel 6 Pro mới ra mắt. Trong thiết kế của chiếc Pixel mới, cụm camera được đặt thành một dải ngang, theo thứ tự là camera chính, siêu rộng và 4x.
Do vậy, nếu phóng đại từ mức bình thường lên 4x, người dùng dễ dàng nhận thấy hình ảnh bị "giật" và lệch đi một chút ở mức chuyển tiếp giữa 3,9x (sử dụng zoom số ở camera chính) và 4x (sử dụng camera phóng đại).
|
Khung hình trên ứng dụng camera của Pixel 6 Pro bị giật rõ ràng khi chuyển tiếp ở mức zoom 4x. Ảnh: PhoneArena.
|
Để giảm hiện tượng này, nhà sản xuất cần sắp xếp các camera theo thứ tự tăng/giảm của mức phóng đại. Tuy nhiên, trong thực tế camera chính luôn có chất lượng cao nhất, cảm biến lớn nhất, do vậy sẽ khó để cho vào giữa. Trong ví dụ camera Pixel 6 Pro, kích thước cảm biến của camera chính lớn hơn nhiều so với camera siêu rộng.
Do đó, tác giả Martin Filipov cho rằng Apple đã chọn cách sắp xếp tối ưu với 3 camera, khi xếp chúng thành hình tam giác cân.
Vấn đề sẽ khó giải quyết hơn với những chiếc smartphone có 4 camera như Huawei P40 Pro+ hay Samsung Galaxy S21 Ultra. Tuy nhiên, các hãng này giải quyết bằng cách xếp 1 camera sang cạnh, từ đó tạo thành 2 cụm tam giác vuông. Như vậy, khoảng cách giữa các camera có tiêu cự gần nhau vẫn là tương đương.
Trong cách sắp xếp của Galaxy S21 Ultra, chỉ có camera siêu rộng và 10x cách xa hẳn nhau. Tuy nhiên, người dùng thường sẽ không chuyển lập tức giữa 2 chế độ, do đó không nhận thấy độ lệch về hình ảnh.
|
Cách Samsung, Huawei sắp xếp cụm 4 camera cũng rất khéo léo, giảm bớt độ giật khung hình khi zoom. Ảnh: PhoneArena.
|
Cuối cùng, Filipov cho rằng Google đã chọn cụm camera nằm ngang để tạo vẻ ngoài đặc biệt cho Pixel 6 Pro. Tuy điều này ảnh hưởng một chút đến trải nghiệm chụp ảnh, đây vẫn là hi sinh cần thiết để có được chiếc điện thoại với ngoại hình lạ, thu hút.
"Tôi phải nói rằng Google đã chấp nhận đánh đổi. Việc đó có quá tệ không? Chắc chắn là không. Dù Pixel 6 Pro có khung hình bị giật khi chuyển giữa các ống kính, chất lượng cụm camera nói chung vẫn rất tốt, vượt trội iPhone trong nhiều trường hợp", tác giả này kết luận.
(Theo Zing)