BKAV đã chính thức tuyên bố sẽ tung ra bốn mẫu Bphone mới dòng A trong thời gian tới gồm Bphone A40, A50, A60 và A85 5G. Đây là những mẫu Bphone rất đặc biệt, không chỉ bởi đây là lần đầu tiên BKAV thật sự thử sức phân khúc giá rẻ, mà còn là những mẫu máy đầu tiên nhà sản xuất này đi theo hướng ODM. Thay vì tự mình thiết kế và sản xuất như trước kia, những mẫu Bphone dòng A sẽ được đảm nhiệm bởi một đối tác khác.
Mô hình này được cho là giống với thương hiệu smartphone Vsmart trong thời điểm Công ty VinSmart (trực thuộc tập đoàn Vingroup) mới bắt đầu tham gia vào thị trường smartphone. VinSmart từng gây lùm xùm vì vụ việc chiếc Vsmart Live có thiết kế và cấu hình giống một chiếc máy thương hiệu Trung Quốc là Meizu 16XS. VinSmart sau đó đã đưa ra lời giải thích rằng Meizu và VinSmart có chung một đối tác ODM và cả hai đều chia sẻ thiết kế này.
Vsmart Live và Meizu 16XS
Mặc dù đã có được những thành công nhất định trong và ngoài nước, nhưng VinSmart đã rút khỏi mảng smartphone hồi tháng 5 vừa qua nhằm tập trung cho việc phát triển hệ thống thông tin - giải trí trên ô tô.
Nhìn vào điều này, trong một buổi giao lưu với cộng đồng, một người dùng đã hỏi CEO Nguyễn Tử Quảng về việc liệu BKAV có đi theo "vết xe đổ" của Vsmart hay không khi Bphone giá rẻ được sản xuất dưới dạng ODM.
Để trả lời cho câu hỏi này, ông Quảng đưa ra nhận định rằng Vsmart là một thương hiệu đi theo hình thức "tương đương với ODM". CEO BKAV đánh giá thấp Vsmart hơn Bphone về mặt năng lực, khi cho rằng nhà sản xuất này không có đủ kinh nghiệm về công nghệ lõi.
"Phải nói thẳng thắn là Vsmart chưa đủ kinh nghiệm về mặt công nghệ lõi, cả về phần cứng, phần cơ khí, phần điện tử, phần thiết kế, phần mềm như BKAV. Khi Vsmart tham gia lĩnh vực smartphone là năm 2018, nhưng BKAV đã làm từ 2009, tức là cách đấy 9 năm rồi. Chúng ta đã có đủ các công nghệ và đến bây giờ chúng ta mới ODM. Chúng ta có tư cách của một nhà sản xuất OEM trước khi đặt ODM thì nó rất là khác nhau. Chúng ta thấu hiểu mọi lĩnh vực trong mảng smartphone.", ông Nguyễn Tử Quảng nói.
Ông Quảng sau đó còn đề cập tới vấn đề định vị thương hiệu, khi luôn cố gắng xây dựng Bphone là một thương hiệu cao cấp trước khi mở rộng sang phân khúc giá rẻ. Mặc dù không đề cập, nhưng không khó để thấy Vsmart có cách tiếp cận thị trường trái ngược thông qua việc chiếm lĩnh thị trường nhờ các sản phẩm với mức giá rẻ.
Vsmart nổi tiếng với các sản phẩm giá rẻ, trong khi BKAV tập trung ở phân khúc cận cao cấp
"Ngay cả định vị thương hiệu, chúng ta cũng có cách thức rất khác. Chúng ta kiên quyết cho dù khó khăn đến mấy vẫn sản xuất smartphone cao cấp trước, để định vị rằng người Việt Nam có thể làm được smartphone cao cấp. Và đã khẳng định tạo ra rất nhiều thứ hàng đầu trên thế giới là ở trên Bphone, như chụp macro hay camera AI, chống trộm. Chúng ta có những kinh nghiệm ấy rồi, thì khi chuyển phương thức sản xuất nó mới thực sự là cộng giá trị cho nhau."
Hồi tháng 5, ngay sau khi VinSmart đưa ra thông báo dừng sản xuất smartphone, CEO BKAV cũng đã đăng tải dòng trạng thái lên mạng xã hội với nội dung cảm ơn Vingroup vì đã giúp chiếm được thị phần smartphone từ các hãng nước ngoài, khẳng định sự ủng hộ của người tiêu dùng trong nước với các sản phẩm công nghệ Việt. Về phía BKAV, ông Quảng cho biết sẽ tiếp tục theo đuổi giấc mơ xây dựng smartphone "Made in Vietnam", chiếm lĩnh thị trường nội địa. Thậm chí, CEO BKAV còn đặt ra mục tiêu sẽ đứng trong top 2 thị phần vào năm 2023.
Hiện tại, có thể nói Bphone của BKAV là thương hiệu smartphone Việt lớn duy nhất còn tồn tại trên thị trường. Trước Bphone, hai thương hiệu khác là Mobiistar và Vsmart đã lần lượt rút khỏi thị trường trong năm 2019 và 2021. Một số thương hiệu khác như Lotus (trực thuộc VNPT) hay Masstel hoạt động trong trạng thái "vật vờ" và gần như không cho ra mắt sản phẩm mới
Lấy link