Một trong những thay đổi đầu tiên mà người dùng có thể nhận thấy khi cầm trên tay chiếc iPhone 13 mà họ vừa mua chính là vỏ hộp. Hộp của iPhone 13 vẫn có thiết kế tổng thể khá giống với iPhone 12, thế nhưng để bảo vệ môi trường, Apple đã loại bỏ lớp seal nilon mà người dùng thường thấy trên các thế hệ iPhone trước. Thay vào đó, Apple mang đến cho hộp iPhone 13 một loại seal giấy mà người dùng sẽ kéo từ trái qua phải để "bóc seal".
Seal dạng kéo của iPhone 13
Do đây là lần đầu tiên Apple sử dụng loại seal này, vậy nên nó hẳn sẽ tạo ra ít nhiều những trở ngại mới cho các "dây chuyền" dựng iPhone tại Trung Quốc. Tuy nhiên, do chỉ là một miếng giấy không hơn không kém, việc seal của iPhone 13 bị làm giả đã được dự đoán chỉ là vấn đề thời gian.
Và đúng như vậy. Chỉ sau một vài ngày lên kệ, lớp seal này đã được người Trung Quốc làm giả thành công.
Trên trang thương mại điện tử AliExpress, vốn là nơi tập trung các thương gia đến từ Trung Quốc, một vài shop đã bắt đầu rao bán những bộ seal iPhone 13 và iPhone 13 Pro giống hệt như thật mà người dùng sẽ khó lòng nhận ra.
Seal iPhone 13 giả do Trung Quốc sản xuất
Điều đáng nói là mức giá rất rẻ của chúng. Lô 100 bộ seal iPhone 13 đang được chào bán với mức giá 30 USD. Như vậy, mỗi bộ seal chỉ có giá 0.3 USD, tương đương 7.000 đồng. Do AliExpress là một website thương mại quốc tế nên thường có giá cao hơn, còn mức giá thực tế khi mua tại Trung Quốc có thể còn rẻ hơn nữa.
Seal iPhone 13 được bán với giá 30 USD cho 100 chiếc
Chưa dừng lại ở đó, một đoạn video được chia sẻ trên mạng xã hội Trung Quốc cho thấy quá trình dán seal hộp iPhone 13 là hết sức đơn giản. Người phụ nữ trong đoạn video chỉ mất vỏn vẹn 1 phút để hô biến một chiếc iPhone 13 Pro Max "máy trần" thành "nguyên seal".
Dán seal hộp iPhone 13
Việc làm giả seal hết sức đơn giản như vậy cho thấy một chiếc iPhone nguyên seal chưa chắc đã đi đôi với chất lượng, đặc biệt là tại các đơn vị bán hàng nhỏ lẻ.
Tại Việt Nam, tình trạng những chiếc iPhone bị các "gian thương" làm giả seal là tương đối phổ biến. Một số chiếc iPhone được nhập dưới dạng "máy trần" (không có hộp và phụ kiện), và để bán được giá hơn thì một số thương gia đã bổ sung thêm phụ kiện và hộp, đóng lại seal rồi bán dưới dạng máy mới "nguyên seal". Một số khác được đóng lại seal để "luộc" phụ kiện, tức thay thế phụ kiện chính hãng bằng phụ kiện giá rẻ kém chất lượng.
Ngoài ra, trước đây đã ghi nhận nhiều trường hợp iPhone do khách hàng mua qua mạng bị nhân viên giao hàng chiếm đoạt thông qua việc thay thế chiếc iPhone bằng một vật dụng khác có trọng lượng tương đương, sau đó đóng lại seal. Mới chỉ năm ngoái, một người tại Đồng Tháp đã bị nhân viên giao hàng đánh tráo chiếc iPhone 12 Pro Max trong hộp bằng một cục đá.
Vụ việc iPhone bị tráo và đóng lại seal xảy ra hồi năm ngoái
Khi mua một chiếc iPhone được quảng cáo là "mới nguyên seal", người dùng nên bóc seal trực tiếp tại chỗ trước sự quan sát của nhân viên cửa hàng (thay vì mang về nhà rồi mới bóc seal) và kiểm tra một số chi tiết như ngoại hình, tình trạng kích hoạt, thời gian bảo hành, số lần sạc để đảm bảo mình nhận được máy đúng theo yêu cầu. Trong trường hợp người dùng mua máy qua mạng, việc quay video quá trình mở hộp là hết sức cần thiết.
Lấy link