Theo Daily Mail, các nhà khoa học từ Trung tâm Cổ sinh vật có xương sống, Đại học Mansoura (MUVP) đã phát hiện ra hóa thạch từ đá Eocen giữa, thứ lưu lại giai đoạn gọi là "quá trình suy thoái Fayum" ở sa mạc phía Tây Ai Cập, nơi từng được bao phủ bởi biển.
Hóa thạch đã giúp tái tạo lại 1 sinh vật dài hơn 3 mét, nặng gần 600 kg khi con sống, thân hình đồ sộ với 4 chân to, khỏe, cái đầu có mõm nhọn và hàm răng sắc.
Bài công bố trên tạp chí khoa học Proceedings of the Royal Society B cho biết sinh vật đã được đặt tên là Phiomicetus anubis, là... một con cá voi, dù sở hữu 4 chân.
Cấu tạo của hộp sọ cho thấy nó là một quái thú săn mồi mạnh mẽ, với nhiều cấu trúc tương tự như cá voi hiện đại. Con vật này đã chọn đại dương làm môi trường sống chính, tạo nên cảnh quan kỳ quái khi một con thú 4 chân to lớn có thể bơi như cá và gây ám ảnh cho các sinh vật cùng thời khác.
Như chúng ta đã biết, cá voi vốn là động vật có vú chứ không phải cá. Vì vậy, con vật kỳ dị này là bằng chứng sống động về giai đoạn biến đổi của giống loài này, từ vẻ ngoài giống thú sang cơ thể giống như loài cá.
Nó chính là mắt xích trực tiếp nối 2 giai đoạn tiến hóa quan trọng mà các nhà cổ sinh vật học đã tìm kiếm bấy lâu. Kết quả giám định niên đại cho thấy con cá voi 4 chân này đã 43 triệu tuổi.
Theo Người lao động