Theo báo cáo từ công cụ bảo mật Pegasus của nhóm NSO Group, một lỗ hổng không giao tiếp (zero-click) mới được phát hiện trên nền tảng iOS hồi tháng 2, cho phép các tin tặc có thể xâm nhập vào hệ điều hành iOS, ảnh hưởng bao gồm cả iOS 14.4 và iOS 14.6 phát hành sau đó.
Công cụ bảo mật Pegasus trở nên nổi bật vào tháng 7 vừa qua, sau khi báo cáo về việc công cụ này được lợi dụng để hack vào iPhone và smartphone của một số nhà hoạt động nhân quyền cũng như các nhà báo. Trong một cập nhật mới, công cụ Pegasus còn được nâng cấp để có thể xâm nhập vào các iPhone chạy phiên bản iOS mới.
NSO Group - Tổ chức đứng đằng sau công cụ Pegasus
Phát hiện của Citizen Lab có liên quan tới một chiếc iPhone 12 Pro của một nhà hoạt động nhân quyền người Bahrain, các bằng chứng về vụ hack đã được thu thập từ tháng hai. Vụ hack sử dụng lỗ hổng không giao tiếp, tức là nạn nhân không cần phải làm gì để tin tặc có thể xâm nhập được vào iPhone.
Các vụ hack được cho là khai thác lỗ hổng 0-day (thuật ngữ ám chỉ lỗ hổng chưa từng được biết đến) bên trong ứng dụng iMessage, cho phép tin tặc có thể cài đặt công cụ Pegasus một cách hoàn toàn tự động lên iPhone của nạn nhân.
Lỗ hổng này ảnh hưởng tới iOS 14.4 (mới nhất lúc bấy giờ) và cả iOS 14.6 phát hành sau đó không lâu, đồng thời phá vỡ "bức tường lửa" mà Apple đã giới thiệu trước đó trên iOS 14 có tên "BlastDoor", tính năng giúp giảm thiểu các dữ liệu độc hại được gửi qua iMessage. Các chuyên gia bảo mật đặt tên cho cuộc tấn công sử dụng lỗ hổng iMessage này là "ForcedEntry".
Các chuyên gia bảo mật đã thông báo về lỗ hổng tới Apple. Hiện tại, Apple từ chối bình luận về việc liệu công ty đã vá lỗ hổng này hay chưa, tuy nhiên một thông tin mới cho biết lỗ hổng này đã được Apple vá trong bản cập nhật iOS 14.7.1 phát hành trong tháng 7 vừa qua. Một phát ngôn viên của Apple cho biết BlastDoor mới chỉ là một phần nỗ lực của Apple trong việc bảo vệ người dùng iMessage, sẽ có nhiều cơ chế bảo mật hơn được triển khai cùng với iOS 15.
Các nhà nghiên cứu tin rằng chính phủ Bahrain có thể đứng sau vụ tấn công theo một cách nào đó, cùng với 8 nhà hoạt động khác trong khoảng thời gian từ tháng 6/2020 đến tháng 2/2021.
Sau khi phát hiện Pegasus được sử dụng làm công cụ tấn công bảo mật, không chỉ mỗi iMessage mà còn nhiều ứng dụng khác của Apple, hành động của NSO Group đã bị nhiều bên bao gồm cả Apple lên án kịch liệt. Bản thân NSO cũng đã và đang bị chính phủ Israel điều tra.
Đối với những người lo ngại rằng họ có thể đã bị ảnh hưởng bởi vụ hack, iMazing đã phát triển một công cụ dựa trên Bộ công cụ xác minh (Mobile Verification Toolkit) do Tổ chức Ân xá Quốc tế tạo ra, nhằm phát hiện ra các bằng chứng về sự xâm nhập của Pegasus trên iPhone.
Lấy link