ROG Phone 5 là một trong ba sản phẩm smartphone chuyên chơi game ASUS giới thiệu trong buổi ra mắt ngày hôm nay. Chiếc điện thoại này có gì hấp dẫn cũng như khác biệt gì so với những flagship khác trên thị trường, hãy cùng chúng tôi mở hộp và trải nghiệm nhanh.
Hộp đựng sản phẩm bên ngoài trông có vẻ bình thường, tuy nhiên khi mở ra bạn sẽ thấy một số hình vẽ theo phong cách truyện tranh. Lưu ý: Tai nghe ROG CENTRA II CORE và quạt AeroActive Cooler 5 không được tặng kèm ROG Phone 5, người viết chỉ mượn trên tay để quý độc giả có thể xem thêm hệ sinh thái phụ kiện của sản phẩm này.
Máy được kèm theo ốp lưng, sạc nhanh 65W và cáp được bọc dù chống rối.
Khởi động máy lên, ROG Phone 5 hướng dẫn bạn mở camera sau lên và quét vào những bức vẽ khi nãy trên hộp đựng. Điều bất ngờ mà ASUS dành tặng cho người dùng là đây:
Video cho thấy ASUS đã đầu tư phần hình ảnh cho vỏ hộp ROG Phone 5
Mặt sau ROG Phone 5 vẫn có logo con mắt quen thuộc, tuy nhiên lần này họa tiết có sự điểm xuyết thêm đôi chút với những dòng chữ đỏ phối với nền đen xám trông ngầu hơn. Mặt lưng này được làm từ nhựa kết hợp với kính, và theo ASUS, nó được bảo vệ bằng lớp cường lực Gorilla Glass 3. Vẫn chưa hiểu vì sao hãng lại chọn cường lực từ đời 3, trong khi các flagship khác trên thị trường đã lên tới đời 6, hay thậm chí như Galaxy S21 Ultra hiện đã đang là Victus cho cả mặt trước và sau.
Phần khay SIM cũng được cách điệu với màu đỏ, nhìn chung cũng tạo được nhiều điểm nhấn hấp dẫn hơn so với phiên bản trước đây.
Logo ROG có thể phát sáng, mang hơi hướng thiết kế từ chiếc laptop ROG Zephyrus G14.
ROG Phone 5 sử dụng màn hình AMOLED do Samsung sản xuất, có kích thước 6,78 inch, độ phân giải 2448x1080, hỗ trợ HDR10+ và có tần số quét 144Hz. Theo ASUS chia sẻ, màn hình phiên bản năm nay có độ sáng cao hơn 23% so với bản ROG Phone 3.
Viền màn hình vẫn còn hơi dày ở trên và dưới, tuy nhiên so với bản trước thì ASUS cũng đã cố gắng gọt bớt đi, cụ thể hãng chia sẻ viền đã giảm đi 25%. Thực tế chúng ta cũng khó có thể đòi hỏi thêm vì ASUS không lựa chọn thiết kế camera selfie đục lỗ và hơn nữa màn hình viền càng sát ra khung lại càng làm tăng tỉ lệ chạm cảm ứng "vô duyên", điều mà các gamer rất sợ gặp phải mỗi khi combat.
May mắn thay, mặt trước phủ kính cường lực Gorilla Glass Victus nên cũng đỡ lo chuyện trầy hoặc vỡ...
ROG Phone 5 có thể xem là tường thành cuối cùng của jack 3.5mm trên điện thoại thời nay. Mặt đáy của smartphone này vẫn chễm chệ phần jack tai nghe nằm bên phải, đối diện góc trái là cổng USB-C.
Giống với thiết kế từ phiên bản trước, ROG Phone 5 cũng có khu vực cắm sạc USB-C ở cạnh trái máy. Mục đích làm thêm phần này là để game thủ khi cầm ngang máy chơi vẫn có thể cắm sạc pin mà không lo vướng tay.
Ngoài ra phần tiếp điểm kế bên để người dùng có thể lắp quạt tản nhiệt AeroActive Cooler 5 cho máy. Phần quạt tản này cũng có chia thêm cổng tai nghe 3,5mm nên game thủ có thể cắm thẳng vào đây, tiện lợi mà lại chẳng vướng víu gì đến tay cầm.
ROG Phone 5 tiếp tục nâng cấp tính năng AirTrigger 5: nhạy hơn và nhiều gesture hơn. Nếu các bạn chưa biết AirTrigger là gì thì đây là tính năng chạm cảm ứng vào phần khung máy, giúp game thủ "tranh thủ" có thêm vài phím tắt lợi thế hơn trong quá trình chơi game. Tính năng này có thể tùy chỉnh trong máy và ngoài ra còn có thể gán các thao tác bóp khung máy để kích hoạt app khác khi đang ở chế độ sử dụng bình thường.
Ngoài ra, nếu sử dụng AeroActive Cooler 5, game thủ không chỉ giải quyết được vấn đề tản nhiệt tốt hơn mà bên cạnh đó còn có thêm 2 phím bấm vật lý để gán vào game.
Phía trên là ứng dụng Armoury Crate, cái tên khá giống với phần mềm trên các dòng laptop gaming ROG của ASUS. Cũng giống như ở laptop, ứng dụng Armoury Crate này trên ROG Phone 5 cho phép người dùng tinh chỉnh rất nhiều thứ từ các chế độ hiệu năng cao hay tiết kiệm pin, tản nhiệt cho máy thế nào, cho đến cả phần đèn ROG phía mặt lưng.
Ngoài ra, bạn cũng có thể tùy chỉnh profile hiệu năng cho từng game trên chiếc điện thoại này, nói chung là 1 tính năng "Pay-to-win" khác bên cạnh AirTrigger 5. Chỉ cần những tùy chỉnh này bạn đã có những ưu thế hơn người khác.
Trải nghiệm cá nhân về các tính năng này sẽ được tôi đánh giá ở bài sau, bởi trong buổi đầu tiên dùng thử tôi có phần hơi rối và thua ngay trong trận đánh nên đành... cất máy để buổi khác chơi sau. Đúng là "Pay-to-win"nhưng kỹ năng vẫn là yếu tố quyết định chính.
Về cấu hình phần cứng, ASUS sử dụng vi xử lý Snapdragon 888 mạnh nhất hiện nay của Qualcomm, hỗ trợ 5G và UFS3.1. Hơn nữa, đồ họa tích hợp Adreno 660 cho hiệu năng cao hơn 35% so với bản ROG Phone trước. Và đây cũng là smartphone đầu tiên có mức RAM cực khủng - 16GB LPDDR5.
Một vài bài benchmark quý độc giả có thể tham khảo:
Sau khi tự động bật chế độ X-Mode để tăng tối đa hiệu năng, điểm 3DMark của chiếc điện thoại này khá khủng, theo database có sẵn thì điểm này cao hơn kết quả của 99% Galaxy S21 Ultra hiện nay, nhưng chỉ hơn kết quả của 3% iPhone 12 Pro Max, hay nói cách khác có đến 97% chiếc iPhone 12 Pro Max trả kết quả điểm 3DMark Wild Life cao hơn ROG Phone 5...
Và đây là điểm 3DMark Wild Life mà tôi thử trên iPhone 12 Pro Max.
Trên ROG Phone 5, ASUS áp dụng thiết kế sạc nhanh MMT, theo đó có 2 viên pin 3.000 mAh bên trong nhằm giúp giảm bớt nhiệt độ khi sạc, khi đang chơi game và sạc nhanh hơn với 65W. Theo hãng, sử dụng 2 cell pin giúp họ có thể đặt bo mạch chủ vào giữa khung, tạo sự cân bằng hơn cho thân máy và giải quyết được bài toán tản nhiệt.
Camera sau dùng 64MP cảm biến của IMX686 của Sony, camera ultrawide 13MP f2.4, camera macro 5MP f2.0. Camera trước: 24MP F2.45. Máy cho khả năng quay video 8K tại 30fps hoặc 4K tại 60fps, quay timelapse 4K, Slowmotion 4K tại 120fps và FHD tại 240fps.
Cuối cùng, máy chạy Android 11 được tùy biến theo giao diện riêng của ASUS và người dùng có thể lựa chọn ZenUI hoặc ROG UI. Theo cảm nhận cá nhân, cả hai giao diện đều mang tông tối và các icon khá ngầu, tuy nhiên vẫn có gì đó rối rắm nên hơi khó tìm ứng dụng mỗi khi kéo apps drawer lên.
Lưu ý AeroActive Cooler 5 chỉ được tặng kèm khi mua ROG Phone 5 Pro hoặc ROG Phone 5 Ultimate, còn nếu bạn mua bản ROG Phone 5 thường (bản tôi đang trên tay trong bài này) thì buộc phải tự mua thêm.
Lấy link