Galaxy Z Fold3 là smartphone đầu tiên của Samsung có camera dưới màn hình (Under Display Camera - UDC) mà hãng đã phát triển từ rất lâu. Công nghệ camera dưới màn hình là gì? Đó là thứ cho phép Samsung giấu camera selfie phía sau màn hình gập của Galaxy Z Fold3 và do đó mang lại trải nghiệm toàn vẹn hơn trên màn hình 7.6 inch.
Thông số của UDC trên Galaxy Z Fold3
Nếu chỉ nói về thông số thì camera dưới màn hình của Z Fold3 có vẻ như chẳng có gì đặc biệt. Đó là một camera 4MP với khẩu độ f/1.8 và góc 80 độ, không có gì ấn tượng, tuy nhiên cảm biến có kích thước khá lớn, đến 2 micron pixel, nghĩa là có thể nhận được ánh sáng nhiều hơn, điều cần thiết cho một camera nằm bên dưới màn hình.
Khi không dùng đến, phần camera sẽ bị che lại bởi nội dung trên màn hình, mang đến trải nghiệm toàn vẹn
Và mặc dù 4MP nghe có vẻ là độ phân giải quá thấp đối với camera selfie vào năm 2021, hoặc thậm chí là năm 2017, nhưng hãy nhớ rằng Galaxy Z Fold3 không phải là một smartphone bình thường. Nó đã có một camera selfie 10MP dạng đục lỗ ở màn hình ngoài, vì vậy mục đích của camera dưới màn hình không phải là mang lại chất lượng vượt trội mà là để có thể ẩn khi xem video, chơi game, giúp người dùng thêm đắm chìm vào thế giới giải trí, và đủ để sử dụng khi họ cần dùng camera trong các trường hợp công việc, như họp qua video.
Khi dùng đến UDC, phần này sẽ hiện rõ ra (Ảnh: Samsung)
Một thành phần khác làm cho UDC trở nên khả thi là vùng cắt trên màn hình. Đúng vậy, màn hình gập của Galaxy Z Fold 3 vẫn có vùng cắt Infinity-O, mặc dù nó chỉ hiện rõ khi màn hình ở chế độ ngủ và khi đang dùng camera.
Camera dưới màn hình trên Z Fold3 “tàng hình” đến mức nào?
Camera này có thể trở nên lộ rõ hay không sẽ phụ thuộc vào một vài yếu tố, chẳng hạn như góc nhìn và độ sáng của vùng màn hình bao phủ UDC, nhưng có thể nói nó đã hoàn thành tốt công việc của mình.
Khi xem ảnh chụp một UDC, nó sẽ hiện ra rõ hơn là lúc sử dụng thực tế, đặc biệt là khi được chụp ở các góc tệ nhất. Lúc này vùng màn hình có UDC giống như một “vết nhăn kỳ lạ trên làn da mịn màng”. Nó dễ nhìn thấy hơn từ một số góc độ so với những góc khác.
Tùy vào độ sáng và góc nhìn mà UDC sẽ hiện rõ hay không (Ảnh: Sammbile)
Độ sáng của màn hình gập - hay cụ thể là khu vực bao phủ UDC - là một yếu tố quan trọng khác ảnh hưởng đến khả năng ẩn mình của UDC. Màn hình càng sáng thì camera dưới màn hình càng ẩn. Mặt trái là cảm biến UDC và phần cắt Infinity-O gần như trở nên rõ ràng khi màn hình ở chế độ ngủ hoặc khi hiển thị hình ảnh tối. Về mặt kỹ thuật, đó là điều tương tự nhau, vì điểm ảnh của màn hình AMOLED sẽ tắt khi có màu đen.
Phần cắt Infinity-O của UDC hiện rõ trên nền đen (Ảnh: UnboxTherapy)
Màn hình AMOLED đạt được mức độ đen sâu hơn bằng cách tắt các pixel riêng lẻ, vì vậy nếu hình ảnh bên trên UDC có màu đen như mực, các pixel sẽ tắt và phần cắt Infinity-O trở nên đáng chú ý hơn nhiều - gần như đến mức giống như camera selfie Infinity-O thông thường từ bất kỳ smartphone Galaxy nào khác.
Tuy nhiên cũng phải nhớ rằng, đây là thế hệ camera dưới màn hình đầu tiên của Samsung và đã cho thấy một công nghệ rất hứa hẹn và khả thi, mặc dù chưa hoàn hảo. Trong tương lai vài năm nữa, có thể chúng ta sẽ không còn nhận ra rằng trên màn hình có một camera.
Tham khảo: Sammobile
Lấy link