Trở thành thiên tài nhờ "lời nói dối" của mẹ
Edison, sinh ngày 11/2/1847, tại Milan, Ohio (Mỹ), vốn bị coi là đứa trẻ "đần độn, rối trí" (tâm thần). Vào khoảng năm 7 tuổi, một hôm cậu từ trường về nhà và nói với mẹ: "Mẹ, thầy giáo bảo con đưa cho mẹ cái này!".
Cẩn thận mở ra xem, bên trong kèm lá thư của giáo viên chủ nhiệm gửi phụ huynh em Edison, nước mắt bà Nancy Elliott giàn giụa. Cậu bé đứng ngẩn người kinh ngạc, cậu hỏi mẹ rằng thầy giáo đã viết gì trong đó?.
Ngập ngừng một lát, bà Nancy đọc to lá thư cho con trai mình: "Con trai của ông bà là một thiên tài! Nhưng ngôi trường này quá nhỏ, các giáo viên của chúng tôi không có đủ năng lực để dạy dỗ cậu bé. Bởi vậy, xin ông bà hãy tự kèm cặp con trai mình".
Kể từ đó, Edison được mẹ, cũng từng là giáo viên ở Canada kèm cặp, dạy dỗ mà không đến trường thêm lần nào nữa.
Nhiều năm sau đó, mẹ của Edison đã qua đời, còn con trai bà thì trở thành một trong những nhà phát minh vĩ đại nhất thế kỷ 20, người được mệnh danh là "Thầy phù thủy ở Menlo Park" nhờ những sáng chế thiên tài cống hiến cho nhân loại.
Một ngày, khi xem lại những kỷ vật của gia đình, Edison vô tình nhìn thấy một tờ giấy gập nhỏ được cất trong ngăn kéo bàn. Tò mò mở ra đọc, trước mắt cậu chính là lá thư của thầy giáo năm nào. Trong thư, có đoạn: "Con trai ông bà là đứa trẻ rối trí. Chúng tôi không thể chấp nhận cho trò ấy đến trường được nữa".
Edison đã khóc hàng giờ sau khi đọc lá thư năm nào. Thiên tài viết trong nhật ký rằng: "Thomas Alva Edison là một đứa trẻ rối trí, vậy mà, nhờ có một người mẹ tuyệt vời, cậu đã trở thành thiên tài của thế kỷ".
Lời cầu hôn "có một không hai" với nữ thư ký
Lúc 24 tuổi, Edison trở thành chủ một xí nghiệp được nhiều người biết tiếng. Cuộc sống dần ổn định nên chàng trai ấy muốn có một mái ấm gia đình. Ông chú ý đến cô thư kí Mary Stilwell dịu dàng, thanh mảnh làm việc trong công ty.
Một hôm, Edison đến gặp Mary và nói: "Thưa cô! Tôi không muốn phí thì giờ nói những câu vô ích. Tôi xin hỏi cô một câu rất ngắn gọn và rõ ràng: Cô có muốn làm vợ tôi không?".
Lời tỏ tình quá bất ngờ khiến nữ thư ký "đứng hình". Thấy vậy, Edison tiếp tục: "Ý cô thế nào? Cô nhận lời tôi nhé? Tôi xin cô hãy suy nghĩ trong năm phút".
Định thần lại, Mary Stilwell lên tiếng: "Năm phút cơ à? Thế thì lâu quá! Vâng em nhận lời" và ngày 25/12/1871 họ đã trở thành vợ chồng, sinh được ba người con.
Tuy nhiên, đến năm 1884, bà Mary mất. Ở tuổi 39, Edison đi bước nữa với Mina Miller, cô gái kém ông 19 tuổi và họ cũng có với nhau thêm ba con chung, trong đó có Charles Edison - người về sau trở thành Bộ trưởng Hải quân Mỹ và Thống đốc bang New Jersey.
Hơi thở cuối cùng của Edison vẫn đang trong bảo tàng
Khi thiên tài Edison hấp hối ngày 18/10/1931, bác sĩ đã thu lại hơi thở cuối cùng của ông bằng một ống nghiệm có nút đậy ngay bên cạnh.
Hiện ống nghiệm này đang được trưng bày tại bảo tàng Henry Ford ở Mỹ. Nó không chỉ là hiện vật để tưởng nhớ về Edison, mà còn gắn liền với câu chuyện về tình bạn với Henry Ford (1863 - 1947) - ông chủ hãng Ford Motor nổi tiếng thế giới.
Chuyện kể rằng khi Edison sắp lâm chung, người bạn thân Henry Ford nói với Charles Edison (con trai Edison) ngồi cạnh người cha và cầm ống nghiệm bên cạnh miệng ông, giữ lại hơi thở cuối cùng. Bởi Ford hy vọng có thể "hồi sinh nhà phát minh vĩ đại".
Thực tế, Charles không hề cầm ống nghiệm cận kề Edison trước khi cha đang hấp hối, mà các ống nghiệm được đặt quanh giường của ông. Ngay sau khi Edison qua đời, Charles yêu cầu bác sĩ riêng của cha, Hubert S. Howe, niêm phong những ống nghiệm bằng parafin và gửi một chiếc cho Ford.
Trước khi qua đời, thiên tài Edison đã để lại hàng nghìn phát minh và sáng chế phục vụ đời sống xã hội loài người. Một trong số đó là máy quay đĩa ghi âm
Được coi là phát minh vĩ đại đầu tiên của Thomas Edison, máy quay đĩa ghi giọng nói và phát lại. Khi nói vào máy thu, sự rung động âm thanh của giọng nói sẽ khiến kim tạo ra vết lõm có độ sâu khác nhau trên trụ được bọc bằng lá thiếc để ghi lại âm thanh.
Thông điệp đầu tiên được ghi lại là giọng nói của Edison, với nội dung "Mary có một con cừu nhỏ", điều này khiến mọi người vô cùng thích thú và kinh ngạc bởi lần đầu tiên họ nghe thấy âm thanh được ghi và phát lại.
Edison yêu chiếc máy quay đĩa đến mức ông gọi nó là "đứa con cưng" và tiếp tục nghiên cứu cải tiến để nó hoàn hiện hơn trong 50 năm tiếp theo.
Bóng đèn điện
Thomas Edison được biết đến nhiều nhất nhờ phát minh ra bóng đèn điện và sau này được vinh danh "Người mang lại mặt trời thứ hai cho nhân loại". Bóng đèn điện của Edison được phát minh sau hàng ngàn thí nghiệm và thành công bằng cách tạo chân không bên trong, tìm dây tóc phù hợp để sử dụng và chạy điện áp thấp hơn.
Chia sẻ về phát minh vĩ đại này, Edison từng nói: "Tôi chưa thất bại, tôi chỉ là đã tìm ra 10.000 cách mà sản phẩm chưa hoạt động" hay "Thiên tài 1% là cảm hứng và 99% là mồ hôi".
Edison sau đó cũng đã phát minh ra toàn bộ hệ thống tiện ích điện để ông có thể cung cấp năng lượng cho tất cả các bóng đèn, động cơ và các thiết bị khác.
Máy chiếu phim
Phát minh về máy chiếu phim của Edison được lấy cảm hứng từ các phân tích chuyển động của nhiếp ảnh gia Muybridge, người Anh.
Thiết bị máy chiếu phim đầu tiên này giống máy quay đĩa của ông, với sự sắp xếp xoắn ốc của các bức ảnh 1/16 inch được thực hiện trên một hình trụ. Nhìn bằng kính hiển vi, những hình ảnh chuyển động đầu tiên này khá thô và khó lấy nét.
Sau đó, ông hợp tác cùng với nhà phát minh người Scotland William Kennedy Laurie Dickson, để cải tiến máy chiếu phim. Họ đã phát triển máy hoạt ảnh (Strip Kinetograph), sử dụng tấm phim celluloid 35 mm cải tiến của George Eastman, nhà sáng lập của công ty chuyên về thiết bị ảnh Kodak. Phim được cắt thành các dải liên tục và đục lỗ dọc theo các cạnh, di chuyển bằng các đĩa xích theo chuyển động dừng và quay phía sau cửa màn trập.
Trong xưởng phim của Edison, về mặt kỹ thuật được gọi là Nhà hát Kinetographic, nhưng có biệt danh "The Black Maria". Edison và các nhân viên của ông đã quay những đoạn phim ngắn để xem bằng ống soi hoạt ảnh (Kinetoscope).
Người xem tại một thời điểm có thể nhìn qua ống Kinetoscope, mỗi ống có kích cỡ 437,8cm2 và có kính lúp lỗ nhỏ cho phép xem phim dài 15,24m trong khoảng 20 giây.
Công tơ điện
Mỗi hộ gia đình ngày nay đều sử dụng một thiết bị đo số điện tiêu thụ gọi là công tơ điện. Edison được coi là cha đẻ của thiết bị này bằng phát minh vào năm 1881, để giải quyết vấn đề đo đạc lượng điện năng sử dụng cho gia đình hay doanh nghiệp lúc bấy giờ.
Thời điểm bắt đầu chu kỳ tính tiền điện, các tấm kẽm được tẩy sạch và cân cẩn thận trong phòng thí nghiệm rồi cắm vào các zắc đặt trong chất điện phân. Khi có dòng điện chạy qua chất điện phân sẽ tạo ra một lượng kẽm phủ đọng lại trên tấm kia.
Đến cuối kỳ tính tiền điện, đem các tấm kẽm cân lại một lần nữa. Sự khác biệt về trọng lượng kẽm giữa hai lần cân sẽ biểu trưng cho tổng lượng điện năng đã đi qua. Công tơ điện này được hiệu chỉnh sao cho đơn vị thanh toán sẽ tương đương với đơn vị đo thể tích khí đốt là feet khối.
Sau này, Edison có bổ sung thêm bộ đếm cơ khí để giúp cho việc đọc chỉ số. Công tơ điện kiểu này vẫn được sử dụng cho đến cuối thế kỷ thứ 19 và được cải tiến thành chiếc công tơ hiện đại ngày nay.
Ô tô điện
Năm 1899, Edison bắt đầu phát triển một loại pin trữ điện cho ô tô với niềm tin rằng những chiếc xe sẽ được chạy bằng điện.
Ông đã thành công khi vào năm 1900, khoảng 28% trong hơn 4.000 chiếc xe được sản xuất ở Mỹ được chạy bằng điện. Edison vẫn tiếp tục nghiên cứu với mục tiêu tạo ra một loại pin có thể giúp xe chạy khoảng hơn 160 km mà không cần sạc.
Khoảng 10 năm sau, khi xăng dầu xuất hiện, Edison đã từ bỏ dự án, tuy nhiên công trình không vô ích vì pin sạc của ông đã được sử dụng trong đèn pha của thợ mỏ, tín hiệu đèn đường sắt, hải phao. Henry Ford cũng sử dụng pin của Edison trong mẫu xe của mình.
Cả cuộc đời của Thomas Edison có tới hơn 1.500 phát minh và sáng chế. Tính trung bình cứ khoảng 12 ngày thì lại có một phát minh mới của ông ra đời. Edison mất ở New Jersey vào ngày 18/10/1931 ở tuổi 84, chỉ 3 ngày trước lễ kỉ niệm sinh nhật lần thứ 52 của chiếc bóng điện đầu tiên.
Khi đó, nước Mỹ đã tắt toàn bộ đèn điện trên toàn lãnh thổ trong một phút, để tưởng nhớ "người bạn của nhân loại" đã mang đến cho con người một thứ ánh sáng quý giá "mặt trời thứ hai".
Đăng Hưng (Tổng hợp)