Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Quốc gia Mỹ (NASA) đã phóng Tàu vũ trụ Điều tra địa chấn, đo đạc và vận chuyển nhiệt (InSight) đáp xuống Sao Hỏa vào tháng 11-2018 và kể từ năm 2019, đã ghi nhận hàng trăm chấn động địa chấn trên hành tinh Đỏ này - được đặt tên là "Địa chấn sao Hỏa".
Nhà nghiên cứu chính Bruce Banerdt của Insight tại Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực của NASA, có trụ sở tại bang California - Mỹ, cho biết: "Thông tin trong những bài nghiên cứu này là những kết quả chúng tôi có được sau một thập kỷ tìm tòi".
Máy đo địa chấn của Insight, được gọi là Thí nghiệm địa chấn dành cho cấu trúc lõi (SEIS), đã ghi lại 733 trường hợp đặc biệt kể từ năm 2019 và 35 trong số đó, theo dữ liệu mới, đã được sử dụng cho 3 báo cáo khoa học. Bởi vì sóng địa chấn thay đổi dựa trên vật chất mà chúng gặp phải, các nhà khoa học có thể sử dụng những biến thể này để xác định cấu trúc bên trong của hành tinh.
Ông Simon Stähler, ở trường ĐH ETH Zurich và là tác giả chính của bài nghiên cứu về lõi sao Hỏa, gọi nghiên cứu này là "cơ hội chỉ có một lần trong đời".
Ông nói thêm: "Các nhà khoa học đã mất hàng trăm năm để đo lõi Trái đất; sau các sứ mệnh của tàu Apollo, họ phải mất 40 năm để đo lõi của Mặt trăng. InSight chỉ mất 2 năm để đo lõi của sao Hỏa".
Điều đáng chú ý là sao Hỏa không có các mảng kiến tạo giống như của Trái đất. Hơn nữa, không có trận động đất nào trên mức 4 độ richter.
Ông Mark Panning, tác giả chính của bài nghiên cứu về lớp vỏ sao Hỏa, cho biết: "Chúng tôi phải thực hiện nhiều xử lý cẩn thận để lấy những thứ chúng tôi muốn từ dữ liệu này".
Dựa trên dữ liệu, các chuyên gia đã đưa ra giả thuyết rằng sao Hỏa hình thành từ vật chất sao băng và bụi không gian kết hợp cùng nhau khi nó quay quanh mặt trời.
Các nhà khoa học NASA có kế hoạch sử dụng dữ liệu này trên sao Hỏa để nâng cao hiểu biết hiện đại về cách hình thành các hành tinh đá, chẳng hạn như Trái đất.
Theo NLĐ