Trong thời điểm dịch bệnh, học tập và làm việc tại nhà đã kéo theo nhu cầu mua laptop tăng mạnh trong khoảng hơn 1 năm qua. Bên cạnh những mẫu laptop phổ thông đang được bày bán tại các hệ thống và cửa hàng lớn, không ít người đang cân nhắc lựa chọn những mẫu laptop cũ được bày bán tại các cửa hàng nhỏ lẻ.
Ưu điểm lớn nhất của những mẫu laptop cũ, đương nhiên, là mức giá rẻ. Chỉ từ 4 triệu đồng, người dùng đã có thể sở hữu một chiếc laptop cũ. Không chỉ vậy, những mẫu laptop này còn thuộc phân khúc "doanh nhân" (business), được quảng cáo là có những điểm vượt trội so với dòng laptop dành cho người dùng phổ thông.
Vậy, sự thật là những mẫu laptop này có ưu/nhược ra sao? Trong bài viết này, chúng tôi sẽ chỉ ra một vài đặc điểm cơ bản của những chiếc laptop business cũ trên thị trường để giúp các bạn có được cái nhìn khái quát nhất về dòng máy này.
Chiếc laptop được chúng tôi sử dụng để minh hoạ là Dell Latitude E7470, ra mắt năm 2016 với mức giá khoảng hơn 1300 USD, nhưng hiện đang được bán trên thị trường với giá khoảng 9 triệu đồng. Đương nhiên, mỗi mẫu laptop sẽ có một ưu/nhược khác nhau, nhưng những đặc điểm dưới đây đã được chúng tôi đúc kết sau khi trải nghiệm nhiều dòng máy business khác nhau.
Nguồn gốc "pha tạp"
Hiện tại, có ba nhà sản xuất laptop business chính trên thị trường là HP, Dell và Lenovo với lần lượt ba dòng sản phẩm là EliteBook, Latitude và ThinkPad. Đây cũng là ba dòng máy phổ biến nhất mà người dùng có thể tìm được ở thị trường Việt Nam.
Do tính chất của dòng laptop business này là để phục vụ công việc, vậy nên, khách hàng lớn nhất của dòng máy này là các doanh nghiệp. Những doanh nghiệp này mua máy với số lượng lớn để giao cho nhân viên, và sau một thời gian sử dụng sẽ tiến hành thanh lý hàng loạt khi trở nên lỗi thời.
Hiện nay, những chiếc laptop business tại Việt Nam thường được nhập về từ ba quốc gia là Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc. Nếu như những chiếc máy nhập về từ Mỹ và Nhật Bản thường là nguyên bản, thì máy nhập từ Trung Quốc lại thường đã qua sửa chữa, thay thế linh kiện. Đặc biệt, những mẫu máy có tuổi đời cao thường gặp tình trạng sơn và thay vỏ để trở nên "lung linh" hơn.
Cũng như mọi sản phẩm điện tử khác, một chiếc laptop nếu đã bị thay thế linh kiện thường sẽ mang rủi ro về hỏng hóc. Tuy nhiên, trên laptop, vấn đề này bớt nghiêm trọng hơn nhiều do người dùng có thể thay thế linh kiện đó mà không ảnh hưởng đến các linh kiện còn lại. Chi tiết về vấn đề này sẽ được nói ở phần dưới.
Thiết kế nhàm chán
Do là những chiếc laptop phục vụ cho giới doanh nhân và hiệu quả công việc là yếu tố được đặt lên trên hết, vậy nên, hầu hết những chiếc laptop business thường có thiết kế mang phong cách "thực dụng". Chúng thường không chạy theo trend siêu mỏng, siêu nhẹ để đánh đổi sự bất tiện, hay khoác trên mình màu sắc loè loẹt để tạo ra sự chú ý không đáng có trong phòng họp.
Thiết kế là điểm yếu của laptop business.
Mặc dù những chiếc laptop business có giá niêm yết không hề rẻ (trên 1000 USD), thế nhưng hầu hết chúng có vỏ ngoài được làm bằng nhựa, hoặc một chất liệu đem đến cảm giác giống với nhựa. So với kim loại, chất liệu này tương đối dễ bám bẩn và thường bị bong tróc sau khoảng một thời gian sử dụng nếu người dùng không chăm chút. Ưu điểm của nhựa là tính đàn hồi, vì vậy chúng có thể hấp thụ lực một phần khi bị đánh rơi, máy cũng sẽ không bị móp như với vỏ kim loại.
Chất liệu nhựa dễ bám bẩn và bong tróc
Đa số những chiếc laptop business thường đi kèm lớp vỏ màu đen buồn tẻ. Một số ít laptop business có phiên bản màu bạc, nhưng đó cũng là màu sắc "sáng sủa" nhất mà bạn có thể tìm được. Đừng mong đợi những màu sắc cá tính như vàng hay hồng trên những chiếc laptop dạng này.
Đen là màu sắc chủ đạo trên những dòng laptop này
Yếu tố khác khiến cho những chiếc laptop business không được đánh giá cao về mặt thẩm mỹ là độ dày và cân nặng. Nếu như với những chiếc laptop thông thường, các nhà sản xuất sẽ tìm cách để "cắt gọt" độ dày hay giấu các khe tản nhiệt để chúng trở nên thanh thoát hơn; thì điều này không được chú trọng trên laptop business. Như đã nói ở trên, "hiệu quả công việc là yếu tố được đặt lên trên hết", vậy nên những chiếc laptop business thường dày, nặng với các khe tản nhiệt "lộ thiên" nhằm gia tăng hiệu quả tản nhiệt, hay viền màn hình dày nhằm tránh hư hỏng khi va chạm. Những yếu tố này cũng giúp máy trở nên bền bỉ hơn.
Khe tản nhiệt "lộ thiên" là thứ người dùng dễ dàng nhận thấy trên những dòng laptop business
Đầy đủ "tiện nghi" hỗ trợ công việc
Độ dày của laptop business còn mang tới một lợi thế khác cho dòng máy này, đó chính là sự dồi dào về cổng kết nối. Bên cạnh cổng USB-A cơ bản, những chiếc laptop này còn được trang bị đầy đủ các cổng kết nối như LAN/Ethernet, DisplayPort, HDMI, khe cắm thẻ nhớ. Một số dòng máy cổ, giá siêu rẻ (khoảng < 6 triệu đồng) vẫn còn tồn tại cả cổng VGA và ổ DVD. Nhìn chung, số lượng cổng kết nối này là quá đủ để đáp ứng mọi nhu cầu làm việc, học tập và giải trí của người dùng.
Bên cạnh những cổng kết nối cơ bản, laptop business thường được trang bị đầy đủ các cổng kết nối như LAN, HDMI, DisplayPort...
Chưa hết, những chiếc laptop business đôi khi còn có những cổng kết nối mà người dùng sẽ không tìm thấy trên những loại laptop khác. Ví dụ, chiếc Latitude E7470 này có khe cắm Smart Card (vốn chỉ phục vụ trong môi trường doanh nghiệp) hay khe cắm thẻ SIM (dùng để kết nối 4G, nhưng cần mua thêm card gắn thêm). Người dùng thậm chí còn có thể mở rộng số lượng cổng kết nối trên máy bằng phụ kiện "docking station", một loại dock kết nối chuyên dụng bán rời. Dù vậy, với mục đích sử dụng thông thường, người dùng sẽ không bao giờ sử dụng những cổng này.
Khe cắm SIM và docking station, hai khe cắm mà đa số người dùng sẽ không bao giờ sử dụng
Từ trước tới nay, webcam vốn một trang bị không thể thiếu trên laptop business nhằm phục vụ cho nhu cầu họp online của đối tượng người dùng doanh nhân. Nay, trong thời điểm mà tất cả mọi người, cho dù có phải là "doanh nhân" hay không, đều cần đến webcam để làm việc và học tập, vậy nên những chiếc laptop business sẽ có thể dễ dàng đáp ứng nhu cầu này.
Webcam là trang bị cơ bản trên mọi laptop business
Một số laptop business còn có option cảm biến vân tay. Đây là một tính năng khá "thời thượng" mà nhiều mẫu laptop hiện nay không có. Thế nhưng, người dùng cần tự trải nghiệm và đưa ra quyết định có sử dụng nó hay không, bởi cảm biến vân tay của một số laptop đời cũ thường chậm chạp, không nhạy và khó sử dụng.
Màn hình chất lượng trung bình/thấp
Một trong những yếu tố mà giá bán không phản ánh đúng chất lượng trên laptop business chính là màn hình. Mặc dù có giá cao, nhưng một lượng lớn laptop business trên thị trường hiện nay có màn hình rất tệ với độ phân giải thấp và công nghệ TN, khiến cho người dùng cảm thấy khó chịu khi nhìn vào. Điều này đặc biệt đúng ở những chiếc máy với giá dưới 7 triệu đồng.
Thực tế, đã có một số giả thiết cho rằng các nhà sản xuất laptop đã… cố tình sử dụng màn hình chất lượng thấp trên những dòng laptop business. Bởi lẽ, việc sử dụng màn hình IPS chất lượng cao và góc nhìn rộng sẽ khiến cho người ngồi kế bên cạnh có thể dễ dàng "đọc lén" nội dung trên màn hình, tạo ra nguy cơ rò rỉ thông tin.
Thế nhưng đối với một số mẫu laptop business mới hơn, các nhà sản xuất cũng đã lắng nghe người dùng và đưa vào option màn hình IPS. Ví dụ, chiếc Dell Latitude E7470 này có màn hình Full HD IPS cho chất lượng hiển thị tốt hơn đáng kể so với màn hình TN, đem lại trải nghiệm dễ chịu hơn rất nhiều. Một lần nữa, cần phải nhấn mạnh rằng màn hình IPS thường là một option (tuỳ chọn mà không phải tất cả máy đều có, kể cả khi chúng có cùng một model. Ví dụ, chiếc Latitude E7470 này vẫn có option màn hình độ phân giải thấp 1366x768. Ngoài ra, như đã nói ở trên, laptop business thường có viền màn hình khá dày và mang tính thẩm mỹ không cao.
Chiếc Dell Latitude E7470 với option màn hình IPS.
Khi nhiều mẫu laptop giá rẻ hiện nay đã được trang bị màn hình IPS làm tiêu chuẩn, việc những mẫu laptop business từng có giá đắt đỏ lại không có trang bị này có thể sẽ khiến một số người dùng cảm thấy thất vọng. Nếu người dùng có ý định mua những chiếc laptop có giá trên 7 triệu đồng, đây là option rất đáng giá để đầu tư.
Bàn phím tốt, "đầu tẩy" khiến nhiều người lạ lẫm
Nhập liệu là thao tác cực kỳ quan trọng trong công việc, vì vậy tất cả những mẫu laptop business đều có bàn phím tuyệt vời với hành trình phím dài, độ phản hồi tốt và layout hợp lý. Ngoài ra, những mẫu máy này còn thường được tích hợp đèn bàn phím, một option mà nhiều laptop giá rẻ thiếu vắng.
Bàn phím tích hợp đèn nền là một ưu điểm của laptop business
Trackpad của những mẫu business laptop thường có chất lượng "hên xui". Do đã có tuổi đời cao và sử dụng lối thiết kế cũ, vậy nên đa số laptop business giá rẻ trên thị trường thường có trackpad nhỏ hơn so với những mẫu laptop đời mới, sử dụng driver cũ nên đôi khi không hỗ trợ đầy đủ các thao tác đa điểm.
Laptop business hầu hết đều cho trải nghiệm bàn phím rất tốt.
Ngoài trackpad, laptop business còn có một cách khác để rê chuột là "đầu tẩy", hay còn được gọi là TrackPoint. TrackPoint là một núm nằm giữa phím G và H trên bàn phím, và người dùng sẽ tì ngón tay vào đó để di chuyển con trỏ chuột. Không phải ai cũng có thói quen sử dụng nó, đặc biệt khi đa số người dùng thường ưu tiên dùng chuột gắn ngoài.
TrackPoint là một trang bị thường thấy nhưng ít được người dùng sử dụng.
Cấu hình lỗi thời, bù lại dễ nâng cấp
Ở mức giá dưới 10 triệu, gần như tất cả các mẫu laptop business trên thị trường đều sử dụng những con chip Intel đời cũ, dao động trong khoảng thế hệ thứ 4 đến thứ 7. Ngoại trừ một số ít model với option chip lõi tứ (HQ-series), hầu hết những mẫu máy này đều sử dụng chip Intel Core i5/i7 U-series tiết kiệm điện với lõi kép.
Chiếc máy mà chúng tôi thử nghiệm được trang bị chip Core i5-6300U, RAM 8GB và SSD 256GB
Với việc Intel đã có những bước chuyển biến mạnh mẽ kể từ chip Core i5/i7 thế hệ thứ 8 khi tăng gấp đôi số nhân (từ 2 lên 4), cộng thêm sự có mặt của những mẫu laptop AMD Ryzen gần đây, những con chip hai nhân giờ đây đã trở nên tương đối lỗi thời. Chiếc máy mà chúng tôi thử nghiệm được trang bị chip Core i5-6300U, cho hiệu năng thậm chí còn có phần thua kém so với những mẫu laptop giá rẻ hiện nay với chip Core i3.
Không chỉ CPU, mà GPU cũng là một điểm yếu của laptop business. Do đối tượng người dùng của dòng laptop này chủ yếu làm các công việc văn phòng, vậy nên GPU mạnh là không cần thiết. Hầu hết laptop business đều chỉ có GPU tích hợp, hoặc nếu có GPU rời thì cũng rất yếu. Vì vậy, người dùng không nên nghĩ đến chuyện chơi game trên những chiếc laptop này.
Mặc dù CPU và GPU của laptop business không tỏ ra ấn tượng về mặt thông số, nhưng dòng máy này lại có ưu điểm về khả năng nâng cấp và thay thế linh kiện. RAM, HDD/SSD, pin đều có thể thay thế một cách dễ dàng, một số ít còn có thể nâng cấp cả CPU. Màn hình cũng là một linh kiện có thể nâng cấp, tuy nhiên do tính chất tương đối phức tạp của nó, vậy nên người dùng không nên tự tay "táy máy" nếu không có kinh nghiệm.
Nhờ sự linh hoạt này, người dùng với tài chính eo hẹp có thể lựa chọn một mức cấu hình cơ bản (ví dụ như RAM 8GB và SSD 256GB) và thoải mái nâng cấp về sau này (lên RAM 16GB hay SSD 512GB chẳng hạn) mà không cần phải cố "gom tiền" ở thời điểm ban đầu. Ngoài ra, về phía các chủ cửa hàng, họ có thể thay thế các linh kiện đã lỗi thời hoặc hao mòn qua thời gian (ví dụ như HDD/SSD hay pin) nếu như người dùng có nhu cầu.
Mặc dù đã có tuổi đời hơn 4 năm, nhưng SSD của chiếc máy này mới chỉ chạy 17 giờ. Điều đó cho thấy SSD của chiếc máy này đã bị thay thế.
Đây cũng là lý do một chiếc laptop business kể cả khi không còn các linh kiện nguyên bản là điều hết sức bình thường, trái ngược lại với những chiếc smartphone khi mọi thành phần linh kiện đều được hàn lên bo mạch và việc thay thế có thể kéo theo nhiều rủi ro.
Pin là một thành phần thường hao mòn trên laptop cũ.
Độ bền cao
Những chiếc laptop business do được sinh ra để phục vụ đối tượng doanh nhân, vậy nên độ bền của nó cũng được đảm bảo hơn so với những chiếc laptop thông thường dành cho người dùng cuối. Thực tế, hầu hết những chiếc laptop business đều có chế độ bảo hành mặc định từ nhà sản xuất lên tới 3 năm.
Tuy nhiên, đến thời điểm về tới Việt Nam, do những chiếc máy này đều đã hết khấu hao, cộng thêm những rủi ro từ phía người bán, việc những chiếc laptop business "đổ bệnh" vẫn diễn ra thường xuyên. Cần lưu ý rằng, chế độ bảo hành từ nhà sản xuất không thể áp dụng tại Việt Nam, vì vậy người dùng sẽ chỉ có thể liên hệ người bàn khi máy có trục trặc.
Dù vậy, nếu như tạm gạt đi những rủi ro khách quan trên, những chiếc laptop business về cơ bản cho độ ổn định rất cao. Nhìn vào thực tế hiện nay khi vẫn còn rất nhiều những mẫu máy business với tuổi đời ngót nghét 10 năm nhưng vẫn đang được sử dụng bình thường, người dùng có thể tin cậy vào dòng máy này.
Tổng kết
Nhìn chung, với số tiền khoảng dưới 10 triệu, việc mua một chiếc laptop business hàng cũ là một sự lựa chọn khá hợp lý. Những chiếc máy mới trên thị trường với mức giá dưới 10 triệu đồng do là dòng thấp cấp nhất của các nhà sản xuất, vậy nên bị cắt giảm khá nhiều về mọi khía cạnh, từ thiết kế, cấu hình, màn hình, bàn phím… Trong khi đó, những chiếc laptop business do từng là dòng máy cao cấp một thời, vậy nên có độ bền đảm bảo hơn.
Thế nhưng, nếu người dùng có tài chính trên 10 triệu đồng, việc tham khảo những mẫu máy đời mới lại là sự lựa chọn tốt hơn. Bởi lẽ, hiệu năng của CPU trong một vài năm trở lại đây đã có những sự cải tiến mạnh mẽ, khiến ngay cả một con chip tầm trung ở thời điểm hiện tại có thể dễ dàng đánh bại những con chip tốt nhất ở cách đây vài năm trước. Ngoài ra, người dùng sẽ có những lợi thế khác về thiết kế gọn nhẹ, màn hình IPS tiêu chuẩn, cổng USB-C, thời lượng pin...
Đương nhiên, ngoài những yếu tố trên, chọn mua một chiếc máy mới còn giúp người dùng cảm thấy yên tâm hơn so với máy cũ nhờ chế độ bảo hành từ hãng. Đây là điều đặc biệt quan trọng đối với những cỗ máy đắt tiền.
Ưu & nhược của laptop business hàng cũ
Ưu điểm:
- Độ bền cao
- Bàn phím cho trải nghiệm gõ tốt
- Nhiều cổng kết nối
- Dễ nâng cấp
Nhược điểm:
- Thiết kế nhàm chán, dày và nặng
- Cấu hình không còn mạnh, chỉ đủ đáp ứng cho các công việc văn phòng
- Chế độ hậu mãi phụ thuộc vào chính sách của từng cửa hàng
(Theo Pháp luật & Bạn đọc)