Hóa thạch 308 triệu năm tuổi của tổ tiên bò sát

Các nhà khoa học tìm thấy phần còn lại của một sinh vật tiền sử giống thằn lằn có kích thước chỉ bằng ngón tay sống trong kỷ Than Đá.


Theo báo cáo trên tạp chí Royal Society Open Science hôm 21/7, hóa thạch 308 triệu năm tuổi của sinh vật được khai quật trong một vũng lầy ở miền trung nước Mỹ. Nó chỉ dài 5 cm và được xác định thuộc về một loài mới trong nhóm động vật tứ chi đã tuyệt chủng có tên khoa học là Microsauria.


Microsauria đã lang thang trên khắp Trái Đất trước khi những loài khủng long đầu tiên xuất hiện. Chúng là tiền thân của bò sát và động vật có vú hiện đại. Bởi vậy, phát hiện này sẽ giúp các nhà khoa học hiểu sâu hơn về sự tiến hóa giữa các nhóm sinh vật khác nhau.


"Động vật tí hon gần đây đã trở nên quan trọng trong việc tìm hiểu nguồn gốc của bò sát. Rất nhiều loài trong số chúng được cho là tổ tiên của bò sát hoặc động vật lưỡng cư", nhà nghiên cứu sau tiến sĩ Arjan Mann từ Viện Smithsonian của Mỹ, tác giả chính của nghiên cứu, nhấn mạnh.


Mann cùng cộng sự đã đặt tên cho loài Microsauria tiền sử mới là Joermungandr bolti, dựa theo một con rắn biển trong thần thoại Bắc Âu, sinh vật đã từng chiến đấu với Thor (Thần Sấm).


Một điều khiến các nhà khoa học vô cùng kinh ngạc về hóa thạch của Joermungandr bolti là nó vẫn còn giữ được lớp da. Trước đây, các mẩu da thường được biết đến từ những hóa thạch rời rạc. Mẫu vật Microsauria này là toàn bộ. Rất hiếm hóa thạch hơn 300 triệu năm tuổi, ở bất kỳ loài động vật nào, vẫn còn giữ được da của chúng.


Nhóm nghiên cứu còn phát hiện ra rằng Joermungandr bolti có vảy cứng bao bọc da. "Động vật lưỡng cư hiện đại có lớp da mềm và nhầy nhụa. Loài Microsauria mới không như vậy. Lớp vảy cứng thực sự khiến chúng trông giống với các loài bò sát", Mann nói thêm.


Sử dụng một kỹ thuật hình ảnh có độ nhạy cao được gọi là kính hiển vi điện tử quét (SEM), Mann cùng cộng sự đã có được cái nhìn cận cảnh về hóa thạch gần như hoàn hảo của Joermungandr bolti. Họ nhận thấy một mô hình đường gờ tương tự những gì có trên vảy của các loài bò sát đào đất hiện đại, gợi ý rằng loài Microsauria cũng là một sinh vật đào hang. Giả thuyết này được củng cố với các đặc điểm khác như hộp sọ cứng và thân hình thuôn dài.


"Joermungandr bolti có thể là sinh vật đào hang đầu tiên, sử dụng đầu để khoét vào lòng đất. Các chi của nó không đào bới tốt, mà thay vào đó có thể được sử dụng để giữ cơ thể ổn định. Sinh vật được cho là có phương thức di chuyển uốn lượn giống như rắn", Mann cho hay.


Trong giai đoạn tiếp theo, nhóm nghiên cứu có kế hoạch thực hiện thêm các bước chụp SEM và in 3D ở quy mô kích thước lớn hơn, để hiểu cách các cơ sinh học của sinh vật tương tác với những thứ như bụi bẩn và nước.


Đoàn Dương (Theo AFP)









Hoa thach 308 trieu nam tuoi cua to tien bo sat


Cac nha khoa hoc tim thay phan con lai cua mot sinh vat tien su giong than lan co kich thuoc chi bang ngon tay song trong ky Than Da.

Hóa thạch 308 triệu năm tuổi của tổ tiên bò sát

Các nhà khoa học tìm thấy phần còn lại của một sinh vật tiền sử giống thằn lằn có kích thước chỉ bằng ngón tay sống trong kỷ Than Đá.
Hóa thạch 308 triệu năm tuổi của tổ tiên bò sát
www.tincongnghe.net
Giới thiệu cho bạn bè
  • gplus
  • pinterest

Bình luận

Đăng bình luận

Đánh giá: