Nhóm nhà khoa học Ai Cập - Pháp dẫn đầu bởi Viện Khảo cổ Dưới nước châu Âu (IEASM) tìm thấy xác tàu chiến hiếm tại Thônis-Heracleion, thành phố từng là cảng lớn nhất của Ai Cập ở Địa Trung Hải nay đã chìm dưới biển, Reuters hôm 19/7 đưa tin.
Thônis-Heracleion nằm ở cửa một nhánh phía tây của sông Nile và chi phối khu vực này suốt nhiều thế kỷ, cho đến năm 331 trước Công nguyên, khi Alexander Đại đế lập ra thành phố Alexandria ngay gần đó.
Sau đó, những trận động đất, sóng thần đã phá hủy và nhấn chìm Thônis-Heracleion cùng với một vùng rộng lớn của đồng bằng sông Nile. Năm 2001, các nhà khoa học phát hiện tàn tích thành phố này dưới vịnh Abu Qir gần Alexandria, nay là thành phố lớn thứ hai Ai Cập.
Tàu chiến mà IEASM phát hiện bị đắm khi đền Amun, nơi nó đang neo đậu, sụp đổ vào thế kỷ 2 trước Công nguyên. Nghiên cứu sơ bộ cho thấy thân tàu dài 25 m, có đáy bằng và chế tạo theo kiểu truyền thống. Nó được trang bị mái chèo và cánh buồm lớn, mang những đặc điểm của cách đóng tàu thời Ai Cập cổ đại, theo Bộ Du lịch và Cổ vật Ai Cập.
Ở phía khác của thành phố Thônis-Heracleion, các chuyên gia tìm thấy tàn tích của một khu tổ chức tang lễ Hy Lạp lớn tồn tại từ đầu thế kỷ 4 trước Công nguyên. Người Hy Lạp được phép tới đây định cư vào cuối thời kỳ Các vương triều Ai Cập cổ đại, Bộ Du lịch và Cổ vật Ai Cập cho biết.
Phát hiện này cho thấy sự hiện diện của thương nhân Hy Lạp ở thành phố Thônis-Heracleion. Họ xây những điện thờ của riêng mình gần đền Amun đồ sộ. Tuy nhiên, các công trình này đã bị phá hủy cùng lúc và phần đổ nát nằm lẫn lộn với những phế tích của đền thờ Ai Cập.
Thu Thảo (Theo Reuters)
- Khai quật hai xác tàu đắm chứa đầy đồ gốm sứ
- Xác tàu chiến ở độ sâu lớn nhất thế giới