Phần trình bày và thảo luận của các diễn giả, chuyên gia sẽ được phát trực tiếp trên VnExpress và Fanpage VnExpress lúc 15h ngày 22/7.
Trong tọa đàm GS Hồ Tú Bảo, Trưởng phòng thí nghiệm Khoa học dữ liệu, Viện nghiên cứu cao cấp về Toán sẽ có phần trình bày, đưa ra những khuyến nghị về chương trình đào tạo trí tuệ nhân tạo và khoa học dữ liệu ở Việt Nam. Ông cũng sẽ đưa ra những gợi ý về hướng khoa học dữ liệu trong Chiến lược Quốc gia của các nước tập trung và phát triển.
GS Bảo được biết đến là nhà khoa học có nhiều đóng góp trong lĩnh vực khoa học dữ liệu. Vốn là người có nhiều năm kinh qua các vị trí quan trọng tại các trường, viện ở Pháp và Nhật Bản. Khi trở về Việt Nam, ông là người tham gia xây dựng, phát triển chương trình đào tạo Khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo tại một số trường đại học như Đại học Bách khoa Hà Nội, Khoa Quốc tế Đại học Quốc gia Hà Nội. GS cũng là thành viên tổ chuyên gia xây dựng Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng Trí tuệ nhân tạo tới năm 2030.
Là diễn giả thứ 2 tham gia tọa đàm, GS Vũ Hà Văn, Giám đốc Khoa học, Viện Nghiên cứu Dữ liệu lớn VinBigdata, Tập đoàn Vingroup sẽ chia sẻ thông tin về vai trò của doanh nghiệp trong đào tạo nhân lực trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn. Ông cũng chia sẻ về các hoạt động xây dựng hệ dữ liệu đang triển khai tại Vin Bigdata.
Diễn giả tiếp theo là PGS Trần Minh Triết, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Viện trưởng Viện John von Neumann, Đại học Quốc gia TP HCM có báo cáo về việc bồi dưỡng và đào tạo nguồn nhân lực AI trong trường đại học. Ông Triết còn đề cập về việc phổ cập kỹ năng cơ bản về ứng dụng AI và khoa học dữ liệu (KHDL) nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo cho thanh thiếu niên.
Sau phần báo cáo, các diễn giả sẽ có phiên thảo luận cùng chỉ ra những thuận lợi, khó khăn và đề xuất giải pháp phát triển nhân lực AI tại Việt Nam. Phần này có sự tham gia của TS Phạm Như Nghệ, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo); PGS. TS Lê Sỹ Vinh, Trưởng khoa Công nghệ thông tin, Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội; TS Nguyễn Thị Minh Huyền, giảng viên, Trưởng Bộ môn Tin học, Khoa Toán - Cơ - Tin học, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội; PGS.TS. Nguyễn Thanh Tùng, Trưởng khoa Công nghệ thông tin, Đại học Thủy Lợi; và PGS Huỳnh Công Pháp, Hiệu trưởng Trường Đại học Việt Hàn, Đà Nẵng.
Tọa đàm nằm trong chuỗi sự kiện nhằm hiện thực hóa Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI đến năm 2030 được Thủ tướng ký ban hành đầu năm 2021. Chiến lược được ban hành với hy vọng tạo ra cú huých cho sự phát triển AI của Việt Nam, góp phần phát triển kinh tế xã hội và từng bước đưa Việt Nam trở thành điểm sáng về AI trong khu vực và trên thế giới.
Trong khuôn khổ các hoạt động quảng bá cho Chiến lược này, Bộ Khoa học và Công nghệ là đơn vị chủ trì triển khai chuỗi tọa đàm về AI gồm 5 chuyên đề. "Đào tạo nhân lực trí tuệ nhân tạo" là chuyên đề thứ 2. Các tọa đàm tiếp theo là: Nghiên cứu phát triển; Ứng dụng AI; và Xây dựng cộng đồng AI.
Đồng hành với Bộ Khoa học và Công nghệ trong chuỗi tọa đàm này còn có Aus4Innovation là đơn vị tài trợ, Câu lạc bộ Khoa-Trường-Viện Công nghệ Thông tin - Truyền thông Việt Nam FISU phối hợp tổ chức và báo Vnexpress là đơn vị truyền thông chính thức.
Độc giả quan tâm có thể gửi câu hỏi tới các diễn giả tại đây
Bảo Chi
- Những bộ dữ liệu quý có thể thương mại hóa
- Tọa đàm trực tuyến 'Hạ tầng dữ liệu và tính toán'
- Chiều nay chuyên gia chia sẻ về Hạ tầng dữ liệu ở Việt Nam