Thành tựu vĩ đại của nhân loại
Cách đây 52 năm, vào ngày 21/7/1969, Neil Armstrong đi vào lịch sử nhân loại khi trở thành người đầu tiên bước chân lên bề mặt của Mặt trăng.
Ông cùng với Buzz Aldrin là hai nhà du hành vũ trụ góp mặt trên con tàu Apollo 11, là chuyến bay có người lái đầu tiên đã hạ cánh xuống Mặt trăng vào lúc 20:18 UTC ngày 20/7/1969.
Armstrong dành 2 tiếng rưỡi bên ngoài con tàu không gian, trong khi Aldrin có ít thời gian hơn một chút. Cùng với nhau, họ thu thập 47.5 pounds (khoảng 21.5 kg) Đá Mặt Trăng cho chuyến trở về Trái đất.
Cuộc đổ bộ lên Mặt trăng với tàu Apollo 11 được coi như một bước tiến vĩ đại của con người trong việc chinh phục vũ trụ.
Ban đầu NASA không hề có ý định lựa chọn Neil Armstrong làm chỉ huy nhóm hạ cánh lên Mặt trăng, mà thay vào đó dự định sẽ lựa chọn Gus Grissom.
Tuy nhiên, một tai nạn vào tháng 1/1967 đã khiến Grissom tử nạn và Neil Armstrong được lựa chọn là người thay thế.
Sau này, Armstrong đã có chia sẻ về sự lựa chọn này: "Tôi không phải là người được chọn đầu tiên. Sau đó, tôi chỉ được chọn để làm chỉ huy cho chuyến bay, nhưng chính điều này đã giúp tôi trở thành người đặt chân đầu tiên xuống mặt trăng".
Câu nói lịch sử mà Armstrong thốt lên sau khi đặt bước chân đầu tiên xuống mặt trăng: "Đây là bước đi nhỏ bé của một người, nhưng là bước tiến khổng lồ của nhân loại".
Sẵn sàng đối mặt với thất bại
Trên thực tế các nhà du hành vũ trụ phải chấp nhận rủi ro trong chuyến bay đến Mặt trăng đầu tiên bằng tàu Apollo 11.
Trước khi tàu Apollo 11 cất cánh, một bài diễn văn đã được chuẩn bị sẵn cho Tổng thống Mỹ thời bấy giờ là Richard Nixon với tựa đề "Thảm họa Mặt trăng" để đề phòng trường hợp xấu xảy ra.
Theo kế hoạch, nếu nỗ lực rời khỏi Mặt Trăng thất bại, trung tâm điều khiển dưới mặt đất sẽ cắt đứt mọi liên lạc với khoang đổ bộ và phó mặc mạng sống của hai phi hành gia.
Tuy nhiên may mắn cả 3 phi hành gia đã trở về Trái Đất an toàn, mở ra kỷ nguyên mới về chinh phục vũ trụ của con người.
"Đánh dập" mọi thuyết âm mưu
Bên cạnh sự thật về thành tựu lịch sử của loài người, cũng có không ít thuyết âm mưu gây tranh cãi về việc con người tới được Mặt trăng là một điều phi lý.
Nhiều câu hỏi được đặt ra như: Tại sao lá cờ lại bay được, ai là người chụp hình ảnh các phi hành gia, bầu trời Mặt Trăng không có ngôi sao nào, tàu thám hiểm đổ bộ xuống mà không gây ra dấu tích gì, mọi thứ không bị tan chảy ở nhiệt độ 138⁰C...
Tất cả điều này đều đã được lý giải rõ ràng.
Theo đó, lá cờ trong bức ảnh được cố định bằng các khung ngang. Tuy nhiên do các khung không được thẳng nên lá cờ không thể trải rộng mà bị nhăn nheo, nhìn giống như đang bay trước gió.
Bên cạnh đó, không hề có các máy ảnh hay camera nào được các phi hành gia cầm trên tay, bởi camera được gắn trên áo của các phi hành gia.
Nhiệt độ bề mặt của mặt trăng lên tới 138 độ C nhưng các phi hành gia cùng các thiết bị và phim ghi hình đều được bao bọc trong các lớp hoặc hộp bảo vệ công nghệ cao.
Thêm vào đó, phi hành đoàn đổ bộ lúc bình minh của mặt trăng nên nhiệt độ xuống thấp đáng kể.
Nhà thiết kế tàu vũ trụ và là phi hành gia Konstantin Feoktistov đã kết luận rằng để dàn dựng một "trò lừa bịp" như thế có lẽ cũng khó như việc thực hiện sứ mệnh thực sự.
"Trước tiên, cần phải gửi trạm vô tuyến lên Mặt Trăng, sau đó đưa tàu Apollo 11 đến. Rồi tạo ra hàng chục nhà máy sản xuất tàu vũ trụ giả. Rồi giai đoạn trở về Trái Đất... Tất cả đều quá phức tạp. Thậm chí còn khó khăn hơn cả một cuộc đua trong không gian giữa hai siêu cường", Feoktistov nhận định.
Minh Khôi