Vào lúc 20 giờ 11 phút ngày 20/7 theo giờ Hà Nội, Blue Origin đã thực hiện thành công chuyến bay có người lái đầu tiên lên rìa không gian, qua đó đánh dấu cột mốc lịch sử đối với công ty vũ trụ 21 tuổi.
Chuyến bay chở theo nhà sáng lập là tỷ phú Jeff Bezos và 3 hành khách khác lên độ cao khoảng 107 km từ cơ sở Launch Site One ở Van Horn, Texas (Mỹ).
Tên lửa tự động New Shepard đưa khoang tàu tới gần rìa vũ trụ trước khi tách ra, khai hỏa động cơ để hãm tốc độ và chậm rãi quay trở về Trái đất.
Các hành khách trên cabin, gồm Jeff Bezos và 3 người khác đã được trải nghiệm trạng thái không trọng lực trong khoảng 4 phút, trước khi hạ cánh bằng dù xuống sa mạc Texas.
"Hạnh phúc, hạnh phúc, hạnh phúc! Đây là ngày tuyệt vời nhất từ trước đến nay", Bezos chia sẻ đầy cảm xúc sau khi kết thúc chuyến bay kéo dài 11 phút mang tính lịch sử.
Trước đó, Bezos từng chia sẻ lý do đích thân góp mặt trên con tàu bởi đây là điều mà ông làm nhất trong suốt cuộc đời mình.
Chuyến bay được thực hiện đúng dịp kỷ niệm 52 năm ngày tàu Apollo 11 hạ cánh lên Mặt trăng, một ngày được Bezos cố ý lựa chọn vì ý nghĩa lịch sử của nó.
"Đây là việc xây dựng một con đường lên vũ trụ để các thế hệ tương lai có thể làm được những điều đáng kinh ngạc trong không gian", Bezos cho biết.
Bên cạnh việc tạo ra cột mốc đáng nhớ, Blue Origin còn ghi dấu ấn khi thực hiện thành công chuyến bay đưa người cao tuổi nhất - là nữ phi công 82 tuổi Wally Funk, và người trẻ tuổi nhất - là sinh viên 18 tuổi người Hà Lan, Oliver Daeman bay vào không gian.
Kể từ khi thành lập vào năm 2000, Jeff Bezos đã xây dựng Blue Origin như một dự án tương lai cho riêng mình và nhân loại.
Không giống như các tỷ phú đối thủ Richard Branson hay Elon Musk với nhiều khoản đầu tư mạo hiểm, Jeff Bezos chỉ đầu tư duy nhất vào Blue Origin với khoảng 7,5 tỷ USD tài sản cá nhân.
Điều này giúp quá trình phát triển khám phá không gian của Blue Origin diễn ra tương đối chậm, nhưng ổn định, và phản ánh đúng triết lý của tỷ phú người Mỹ, đó là "từng bước nhưng đầy mãnh liệt".
Blue Origin từng thử nghiệm phương tiện bay đầu tiên vào năm 2005, và với tên lửa đẩy năm 2006. Nhưng phải đến năm 2012, công ty mới thực hiện chuyến bay thử nghiệm đầu tiên vào vũ trụ với tàu New Shepard.
Từ đó đến nay, hệ thống tên lửa New Shepard đã có tổng cộng 15 chuyến bay thử nghiệm trước khi phi hành đoàn đầu tiên được góp mặt trên cabin.
Riêng hệ thống tên lửa và cabin được sử dụng cho Jeff Bezos và 3 phi hành đoàn đã có 2 chuyến bay thành công trước đó.
Theo Blue Origin, khoang chứa phi hành đoàn không cần phi công nào đi theo, tất cả quá trình bay và trở về Trái đất đều được thực hiện tự động bằng máy tính.
Trong trường hợp khẩn cấp và gặp sự cố khi đang được phóng lên không gian, khoang chứa phi hành đoàn có thể được tách ra khỏi tên lửa đẩy bất cứ lúc nào, sau đó sẽ được mở dù để trở về Trái đất an toàn.
Minh Khôi