Trong bóng đá, thông thường kết quả mỗi trận đấu sẽ nghiêng về đội mạnh. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp khi người thắng cuộc đôi khi không hoàn toàn vượt trội hơn đối thủ, hoặc may mắn hơn, mà do họ có được lợi thế tâm lý trong vòng đấu may rủi, là sút luân lưu 11m.
Theo đó, nếu thành công khi đá trước, áp lực cho cầu thủ đá sau của đối thủ sẽ lớn hơn rất nhiều. Trong khi nếu một đội thất bại ở lượt đá trước, thủ môn của họ sẽ có cơ hội sửa sai ở lượt sau.
"Công thức" này một lần nữa khiến người ta phải nhắc tới ở Euro 2020, khi Ý có liên tiếp 2 trận thắng - và đều là những trận họ được đá luân trước.
Loạt đá luân lưu có thực sự công bằng?
Loạt sút luân lưu (hay còn gọi là sút phạt đền) từ lâu đã được quy ước như một phương thức quyết định đội thắng trong một trận thi đấu bóng đá không thể có kết quả hòa.
Trong loạt sút này, mỗi đội luân phiên thực hiện các cú sút để ghi bàn từ chấm phạt đền, và đối thủ chỉ được sử dụng thủ môn để cản phá.
Mặc dù được áp dụng rộng rãi trong bóng đá từ những năm 1970, loạt sút luân lưu đã bị nhiều người yêu bóng đá chỉ trích do phụ thuộc nhiều vào may rủi hơn là kỹ năng của cầu thủ.
Trong đó, kết quả của loạt đấu này có thể được định đoạt ngay từ khi trọng tài tung đồng xu để chọn xem đội nào được quyền đá trước.
Năm 2010, một nghiên cứu từ Ignacio Palacios-Huerta, giáo sư Đại học Kinh tế London, thống kê rằng đội đá luân lưu trước luôn có lợi thế hơn về mặt tâm lý.
Từ đó dẫn tới việc họ có tỷ lệ thắng lớn hơn, khoảng xấp xỉ 60% so với chỉ 40% của đội đá sau.
Con số chênh lệch này có thể sẽ gây sốc với một số người, đặc biệt là những ai luôn nghĩ rằng loạt đấu luân lưu trong bóng đá là công bằng 100%, với phần thắng chia đều cho 2 đội.
Từ góc độ về lợi thế tâm lý, các nhà khoa học chứng minh được rằng xác suất một cầu thủ phải đá luân lưu để chiến thắng khi đội nhà đang nắm lợi thế có thể lên tới 92%.
Trong khi đó, xác suất để một cầu thủ phải đá luân lưu để san bằng tỷ số với đối thủ - hay nói cách khác là để "rượt đuổi" tỷ số, chỉ là 62%.
Đây cũng là lý do mà nhiều chuyên gia và cầu thủ từng đòi FIFA thay đổi cách đá luân lưu theo kiểu ABAB truyền thống (mỗi đội đá tuần tự đan xen).
Cách giải quyết khả thi
Một phương pháp từng được tính đến trong sút luân lưu, đó là áp dụng thể thức ABBA như loạt tie-break trong quần vợt.
Điều này có nghĩa là khi một đối thủ được quyền đá trước trong loạt sút đầu tiên, thì họ sẽ là người đá sau trong loạt sút thứ 2, và cứ thế lặp lại.
Thật không may là cách tính này có thể dẫn đến một trình tự phức tạp được gọi là trình tự Prouhet-Thue-Morse sau 2 lượt đá đầu, rồi lượt đá thứ 4, thứ 8...
Một cách thức khác được đưa ra là tiếp tục lặp lại trình tự A, B, B, A sau mỗi 4 lần đá, cho đến khi một đội giành chiến thắng.
Điều này sẽ dẫn đến trình tự đơn giản hơn nhiều, được mô tả như sau: A, B, B, A - A, B, B, A - A, B, B, A - A, B, B, A…
Trên thực tế, FIFA cũng từng thử nghiệm ABBA vào năm 2017 ở các giải trẻ châu Âu và thế giới.
Trong đó, Liên đoàn Bóng đá Anh (FA) thậm chí áp dụng ABBA ở Siêu cúp Anh (Community Shield) và League Cup mùa 2017/18.
Không nằm ngoài dự đoán, cách thay đổi này đã cân bằng đáng kể sự chênh lệch về tỷ lệ thắng giữa 2 đội khi xác suất 60-40 được giảm xuống còn 50-50.
Cụ thể rằng trong số 36 trận áp dụng ABBA trong loạt luân lưu, thì có 18 lần các đội đá trước ở lượt đầu (A) thắng. 18 lần các đội đá sau (B) thắng.
Tuy nhiên sau đó vào tháng 6/2018, FIFA bất ngờ thông báo chấm dứt việc thử nghiệm ABBA trong loạt đá lưu.
Nguyên nhân được các chuyên gia phỏng đoán là bởi thể thức mới quá phức tạp, dẫn tới nhầm lẫn không chỉ với người xem, mà ngay cả với các trọng tài.
Theo Ủy ban Bóng đá Quốc tế (IFAB), mọi thứ có thể trở nên phức tạp hơn nữa nếu loạt luân lưu kéo dài đến hai con số.
Đây được xem là một quyết định khá đáng tiếc, bởi nó có thể là cách giải quyết công bằng nhất cho các cầu thủ khi họ phải tham gia loạt "đấu súng" cân não.
Minh Khôi