Các nhà khảo cổ tìm thấy hàng nghìn đoạn xương của ít nhất 24 người trưởng thành gồm cả nam lẫn nữ và 4 trẻ em trong hang Iroungou, tỉnh Ngounie, Gabon. Nghiên cứu mới đăng trên tạp chí Antiquity hôm 8/7.
Richard Oslisly, nhà khảo cổ tại Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp (CNRS) phát hiện chiếc hang vào năm 1992, nhưng đến năm 2018 mới thực hiện chuyến nghiên cứu đầu tiên. Việc tiếp cận đáy hang vô cùng khó khăn nên từ đó đến nay, các chuyên gia mới chỉ thực hiện 4 chuyến thám hiểm.
Hang động có 4 tầng, tất cả đều chứa hài cốt từ thế kỷ 14 và 15. Dù các đoạn xương nằm lẫn lộn, nhóm nhà khoa học nhận thấy tất cả xương đều hoàn chỉnh, nghĩa là người xưa đã ném xác chết chứ không phải xương khô xuống hang. Gần các hài cốt còn có rất nhiều đồ vật tùy táng như vòng tay, nhẫn, rìu, dao, hơn 100 vỏ sò biển và hàng chục chiếc răng của động vật ăn thịt.
Nhóm nghiên cứu đặc biệt quan tâm đến các hộp sọ vì tất cả hàm trên đều thiếu răng cửa vĩnh viễn ở giữa và hai bên, nghĩa là 4 răng phía trước miệng. Toàn bộ các lỗ răng trống đều có dấu hiệu lành lại sau khi nhổ. Điều đó cho thấy răng bị nhổ ra khi chủ nhân của chúng còn sống và các lỗ có đủ thời gian để lành lại.
Chỉnh nha là phong tục được ghi nhận ở nhiều nơi trên khắp thế giới, đặc biệt là châu Phi, theo trưởng nhóm nghiên cứu Sébastien Villotte, chuyên gia tại CNRS. Có nhiều lý do khác nhau cho việc nhổ răng, ví dụ như để thay đổi khuôn mặt. Theo Villotte, việc nhổ răng người chết trong hang Iroungou chắc chắn không phải một nghi thức mai táng vì vết thương đã lành từ trước. Mọi hộp sọ ở đây đều thiếu các răng đối xứng và giống nhau nên chúng có thể liên quan đến một phong tục văn hóa nào đó.
Nhóm nghiên cứu cho biết, nhổ nhiều răng cửa sẽ ảnh hưởng đến phát âm, khiến hình dạng miệng và khuôn mặt thay đổi. Sự thay đổi này cũng rất dễ nhận ra, cho thấy tất cả những người bị nhổ răng đều thuộc một nhóm cụ thể.
Các thao tác chỉnh nha như nhổ, đục hay mài răng đã được thực hiện từ lâu ở châu Phi, nhưng loại bỏ 4 răng cửa hàm trên là khá bất thường. Hầu hết các ví dụ về phong tục này diễn ra ở những nhóm dân cư từ Tây Trung Phi. Nghiên cứu cho thấy phong tục chỉnh sửa cơ thể đã tồn tại từ lâu và được duy trì trong thời gian dài ở khu vực này.
Thu Thảo (Theo Live Science)
- Tái tạo gene từ hộp sọ 45 nghìn năm
- Phục dựng khuôn mặt từ hộp sọ 1.000 năm tuổi