Những tia nước khổng lồ phun ra từ mặt trăng Enceladus của sao Thổ từ lâu đã thu hút các nhà khoa học, truyền cảm hứng cho giả thuyết được chấp nhận rộng rãi hiện nay về một siêu đại dương ngầm nằm giữa lõi đá và lớp vỏ băng giá của thiên thể.
Sử dụng dữ liệu cũ từ tàu vũ trụ Cassini (vệ tinh đầu tiên hoạt động trên quỹ đạo sao Thổ, đã kết thúc sứ mệnh vào năm 2017), các nhà thiên văn học từ Đại học Arizona của Mỹ gần đây còn phát hiện thấy nồng độ tương đối cao của một số phân tử khí, như dihydrogen (H2), methane (CH4) và carbon dioxide (CO2), liên kết với các lỗ thông hơi thủy nhiệt của Enceladus.
Trên Trái Đất, H2 cung cấp năng lượng cho một số vi sinh vật tạo ra khí CH4 từ CO2, trong một quá trình được gọi là methanogenesis hay sự sinh methane. Bởi vậy, điều tương tự cũng có thể xảy ra trên Enceladus.
"Chúng tôi muốn biết liệu có các vi sinh vật giống như trên Trái Đất đang ăn dihydrogen và tạo ra khí methane trên mặt trăng của sao Thổ hay không, điều đó có thể giải thích cho lượng CH4 lớn đáng kinh ngạc mà Cassini quan sát thấy", nhà sinh vật học Regis Ferriere từ Đại học Arizona cho biết. "Tuy nhiên, việc tìm kiếm vi khuẩn như vậy dưới đại dương ngầm của Enceladus đòi hỏi những nhiệm vụ lặn sâu cực kỳ thách thức mà chúng ta khó có thể đạt được trong vài thập kỷ tới".
Vì vậy, Ferrière và các cộng sự đã xây dựng một loạt các mô hình toán học để đánh giá xác suất mà khí methane được tạo ra trên Enceladus về mặt sinh học. Kết hợp địa hóa học và sinh thái vi sinh vật, họ kết luận rằng dữ liệu từ tàu Cassini phù hợp với hoạt động của lỗ thông hơi thủy nhiệt của vi sinh vật, điều đó có nghĩa là có thể có vi khuẩn tồn tại dưới độ sâu tối tăm của đại dương ngầm Enceladus.
Tuy nhiên, methanogenesis không phải là lời giải thích duy nhất. Methane cũng có thể được sinh ra từ các quá trình địa hóa "phi sinh học" đã biết trên Enceladus, nhưng không xảy ra ở Trái Đất.
Ví dụ, methane nguyên thủy có thể đã được thu giữ bên trong mặt trăng từ tinh vân mặt trời trong quá trình hình thành hệ Mặt Trời và bây giờ bị rò rỉ ra ngoài. Một khả năng khác là sự phân hủy các chất hữu cơ nguyên thủy đã tạo ra khí methane như một sản phẩm phụ. Những nguồn này rất khó để mô hình hóa.
"Nếu chúng ta cho rằng xác suất sự sống tồn tại trên Enceladus là cực kỳ thấp, thì các cơ chế phi sinh học thay thế nó có khả năng xảy ra cao hơn nhiều, ngay cả khi chúng rất xa lạ so với những gì chúng ta biết trên Trái Đất. Để loại bỏ hoặc xác thực giả thuyết vi sinh vật tạo ra methane trên mặt trăng sao Thổ, chúng ta cần thêm dữ liệu từ các nhiệm vụ trong tương lai", Ferrièr nói thêm.
Đoàn Dương (The Space)
- Robot NASA bắt đầu tìm dấu hiệu sự sống trên sao Hỏa
- Sét có thể đóng vai trò 'khơi dậy' sự sống