Chiếc trực thăng nhỏ vượt qua quãng đường 625 m trong chuyến bay thứ 9 kéo dài 167 giây và đạt tốc độ 4,9 m/s. Các kỹ sư dự đoán đây là một chuyến bay căng thẳng bởi NASA yêu cầu trực thăng thực hiện nhiệm vụ không nằm trong mục tiêu thiết kế của thuật toán định vị, đó là bay qua địa hình không bằng phẳng. Tuy nhiên, chuyến bay vẫn thành công và Ingenuity đã chụp một bức ảnh bằng camera định vị của nó vào giữa chuyến bay.
Ingenuity cất cánh lần đầu tiên hôm 19/4. Trước đó, chiếc trực thăng nằm gọn dưới bụng robot tự hành Perseverance, hạ cánh trên hành tinh đỏ hôm 18/2. Ingenuity là trực thăng đầu tiên bay trên sao Hỏa. Trước chuyến bay thứ 9, Ingenuity đã bay ở 5 địa điểm khác nhau, hoàn thành quãng đường 266 m với tốc độ lên tới 4m/s. Chiếc trực thăng cũng bay cao tới 10 m. Dù từng gặp trục trặc trong một lần bay, các kỹ sư NASA cho biết thành công của Ingenuity đã vượt xa kỳ vọng của họ.
Tuy nhiên, hôm 2/7, NASA mô tả chuyến bay thứ 9 là "lần bay căng não nhất từ trước tới nay". Trong chuyến bay này, Ingenuity nhận lệnh bay tắt qua khu vực địa hình phức tạp mang tên Séítah bao gồm nhiều gợn cát, đồi dốc và bề mặt mấp mô.
Vấn đề là hệ thống máy tính của Ingenuity được thiết kế để làm việc với địa hình bằng phẳng đơn giản và chiếc trực thăng chỉ là sản phẩm biểu trưng công nghệ. NASA dự đoán những đồi dốc và vùng mấp mô của Séítah có thể khiến Ingenuity tự động đổi hướng liên tục do máy tính nhận định khu vực này bằng phẳng. Theo đó, chiếc trực thăng có thể hạ cánh cách địa điểm dự kiến cả chục mét. Chuyến bay cũng đòi hỏi hệ thống viễn thông trên trực thăng phát huy hết khả năng do chỉ được thiết kế để liên lạc với tầm nhìn thẳng trong phạm vi vài trăm mét.
Dù nguy cơ cao hơn, NASA tin chắc Ingenuity đã sẵn sàng cho thử thách dựa trên dữ liệu thu thập từ các chuyến bay trước đây. Nhiệm vụ cũng phù hợp với mục tiêu thể hiện khả năng của phương tiện thăm dò từ không trung trên sao Hỏa, di chuyển nhanh hơn ở những địa hình không thể tiếp cận bằng loại phương tiện khác.
An Khang (Theo Newsweek)
- Trực thăng NASA bám theo robot sao Hỏa