Một vụ nổ từ vệt đen Mặt Trời mới có tên AR2838 sản sinh vết lóa cấp X vào 21h29 ngày 3/7 theo giờ Hà Nội theo Trung tâm dự đoán thời tiết vũ trụ Mỹ (SWPC). Những tia X từ đợt bùng phát bắn về phía Trái Đất ở vận tốc ánh sáng, va chạm với tầng khí quyển trên cùng, gây mất tín hiệu vô tuyến sóng ngắn ở trên biển Đại Tây Dương và các khu vực ven biển.
Nhà thiên văn học kiêm chuyên gia theo dõi thời tiết vũ trụ, tiến sĩ Tony Phillips, cho biết vệt đen tạo ra lóa X1.59 xuất hiện đột ngột, chứng tỏ độ khó dự đoán của hoạt động Mặt Trời. Vết lóa lần này ít nguy cơ kéo theo vụ phun trào nhật hoa (CME). Bão Mặt Trời gồm nhiều hình thái khác nhau, bao gồm "lóa mặt trời" (solar flare) và "coronal mass ejection" (CME). Lóa Mặt Trời là những vụ nổ mạnh bức xạ phát ra các sóng photon hướng về Trái Đất. CME là sự bùng phát plasma nóng tích điện thường xảy ra cùng với vết lóa. Các hạt từ CME mất vài ngày để tới Trái Đất, làm gián đoạn hệ thống vô tuyến và điện tử. Lần này, vệt đen AR2838 nằm ở rìa bề mặt Mặt Trời nên CME ít có khả năng hướng thẳng về phía Trái Đất.
Lóa Mặt Trời được phân loại dựa theo độ sáng tia X với các cấp A, B, C, M hoặc X, trong đó A là cấp nhỏ nhất còn X là cấp sáng và lớn nhất. Đây là lóa cấp X đầu tiên bắn ra từ Mặt Trời từ khi chu kỳ Mặt Trời mới bắt đầu vào tháng 12/2019. Mặt Trời trải qua chu kỳ hoạt động kéo dài khoảng 11 năm, trong đó hoạt động của ngôi sao đạt tới đỉnh ở giữa chu kỳ, sau đó trở nên yên tĩnh cho tới cuối chu kỳ. Theo Phillips, nhiều vết lóa mạnh hơn sẽ xuất hiện trong những tháng tới.
Trước đây, lóa Mặt Trời mạnh và CME từng gây mất điện và mất liên lạc trên diện rộng. Điều này gây lo ngại cho các chuyên gia bởi chúng ta sắp đối mặt với bão Mặt Trời có thể phá hủy mạng lưới điện trên mặt đất và vệ tinh trên quỹ đạo.
An Khang (Theo Forbes)
- Âm thanh của Trái Đất khi gặp bão Mặt Trời