Tân Hoa Xã hôm 30/6 đưa tin việc xây dựng Kính viễn vọng Khảo sát Đa ứng dụng (MASTA) - chủ yếu dùng để phát hiện các mảnh vỡ không gian ở quỹ đạo cao và trung bình - đã được bắt đầu ở thị trấn Lenghu, thuộc châu tự trị dân tộc Mông Cổ và dân tộc Tạng Hải Tây của tỉnh Thanh Hải, phía tây bắc Trung Quốc.
MASTA được phát triển bởi Đài quan sát Tử Kim Sơn thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc. Nó sẽ nằm ở độ cao khoảng 3.800 m so với mực nước biển, tận dụng bầu trời đêm quang đãng của khu vực cao nguyên để khảo sát không gian.
Dự kiến hoàn thành vào năm 2023, quang phổ của kính thiên văn này được kỳ vọng sẽ khỏa lấp khoảng trống của Trung Quốc trong khả năng theo dõi rác vũ trụ.
"Kính viễn vọng Khảo sát Đa ứng dụng có thể phát hiện các mảnh vỡ không gian nhỏ và xác định quỹ đạo cũng như quy luật hoạt động của chúng, từ đó đưa ra cảnh báo sớm để tránh va chạm, giúp đảm bảo an toàn cho tàu vũ trụ", nhà nghiên cứu Lei Chengming từ Đài quan sát Tử Kim Sơn cho biết.
Theo Tian Cairang, Phó giám đốc điều hành của Ủy ban Quản lý Khu công nghiệp Lenghu, hiện có tới sáu đơn vị nghiên cứu khoa học và tám dự án kính thiên văn được triển khai ở Lenghu. Trong tương lai, thị trấn vùng cao này không chỉ trở thành cơ sở quan sát không gian lớn nhất Trung Quốc mà còn là một trung tâm nghiên cứu thiên văn tầm cỡ thế giới.
Thị trấn Lenghu có tổng diện tích 17.800 km2, nằm cách thủ phủ Tây Ninh của Thanh Hải khoảng 944 km. Để phục vụ mục đích quan sát thiên văn, chính quyền địa phương đã thiết lập lại hệ thống đèn đường nhằm giảm ô nhiễm ánh sáng, đồng thời ban hành các quy định bảo vệ bầu không khí quang đãng trong khu vực.
Đoàn Dương (Theo Xinhua)
- Trung Quốc dùng công nghệ AI để theo dõi UFO
- Trung Quốc mở cửa kính viễn vọng vô tuyến lớn nhất thế giới