Lợn lùn - có tên khoa học là Porcula salvania - sinh sống tại các đồng cỏ cao, ẩm ướt và từng phân bố rộng khắp chân núi phía nam dãy Himalaya ở Ấn Độ, Nepal và Bhutan. Tuy nhiên, quần thể loài đã giảm mạnh vào những năm 1960 và bị tuyên bố tuyệt chủng cho tới khi một số cá thể được tái phát hiện ở bang Assam, đông bắc Ấn Độ, vào năm 1971.
Nhằm cứu loài động vật cực kỳ nguy cấp này, chính quyền bang Assam đã khởi động một chương trình bảo tồn vào năm 1996 với kế hoạch nuôi nhốt 6 cá thể để nhân giống.
Đến nay, tổng cộng 142 con lợn lùn nuôi nhốt đã được thả trở lại môi trường tự nhiên. Các nhà bảo tồn của chương trình cũng đang chăm sóc khoảng 70 con khác tại cơ sở để nhân giống nhiều hơn nữa.
"Trong đợt phóng thích vào tuần trước, chúng tôi đã thả 12 con lợn lùn ra Công viên Quốc gia Manas ở Assam, bao gồm 7 con đực và 5 con cái", nhà khoa học thực địa của chương trình Dhritiman Das nói với AFP.
Với lần phóng thích này, quần thể lợn lùn hoang dã ước tính đã đạt gần 250 con, nhưng vẫn cực kỳ nguy cấp.
"Trong 4 năm tới, chúng tôi đặt mục tiêu thả thêm 60 con lợn nữa để chúng có thể phát triển bền vững trong tự nhiên", Das nói thêm. Chương trình bảo tồn cũng tìm cách phục hồi các đồng cỏ, nơi sinh sống của lợn lùn.
Với chiều cao chỉ 20 - 25 cm, dài 45,5 - 51 cm và nặng khoảng 3,2 - 9 kg, Porcula salvania là loài lợn nhỏ nhất thế giới hiện nay. Các chuyên gia cho biết sự tồn tại của chúng bị đe dọa do mất môi trường sống, hoạt động của con người như định cư, nông nghiệp và việc quản lý đất đai không đúng cách.
Đoàn Dương (Theo AFP)
- Phóng thích rùa mai mềm tưởng đã tuyệt chủng ở Ấn Độ
- Linh dương quý hiếm hồi sinh